Hút khách với tuyến phố đi bộ mở rộng

ANTĐ - Đi chơi trong khu phố cổ và khám phá Hà Nội trong đêm, thỏa sức ngắm nhìn-nghe-mua sắm-thưởng thức ẩm thực hơn là một trải nghiệm tuyệt vời với du khách, thậm chí đối với cả người đang sống ở Hà Nội. 
Hút khách với tuyến phố đi bộ mở rộng  ảnh 1

Biểu diễn âm nhạc đường phố đem lại một không gian đa màu sắc cho tuyến phố đi bộ

Tiếp nối những hoạt động tại khu chợ đêm ở phố đi bộ Hàng Ngang-Hàng Đào, tuyến phố đi bộ mở rộng ở phố cổ mang một diện mạo mới khiến du khách thích thú với những trải nghiệm rất riêng về văn hóa, đặc biệt là phong cách ẩm thực khu phố cổ. Những món ăn, thức uống dân dã nhưng đậm chất văn hóa Hà Nội lại rất thu hút khách. Những quán bia hơi phố cổ ở ngã tư Tạ Hiện-Lương Ngọc Quyến (ngã tư quốc tế) nổi tiếng bởi giá rẻ bất ngờ.

Nằm ở trung tâm phố cổ, là điểm đến của du khách “Tây ba lô”, nhưng giá chỉ 5.000 đồng/cốc. Bia hơi ở đây đúng chất bia hơi Hà Nội, đó là uống phải có bạn, không có tiếng “dô” quá ầm ĩ, mà người uống chỉ trò chuyện và cùng nhau thưởng thức không khí phố cổ. 

Dọc phố Tạ Hiện lại luôn thu hút khách đến thưởng thức các món ăn như phở cuốn, bánh cuốn Thanh Trì, chè phố cổ... Đặc biệt, tại số nhà 25 Mã Mây là quán ẩm thực đặc trưng Việt do nghệ nhân Ánh Tuyết làm chủ. Tại đây, nghệ nhân Ánh Tuyết cũng dạy nấu các món ăn Hà Nội và tìm hiểu về ẩm thực Việt Nam. Ngôi nhà này còn là điểm tham quan hấp dẫn cho du khách khi được xây dựng hoàn toàn từ gỗ, tạo nên không gian ấm áp, gần gũi, giản dị mà tinh tế, mang đậm nét cổ kính của một căn nhà phố thị thời xưa. 

Điểm nhấn và hấp dẫn nhất ở khu phố đi bộ mở rộng đó là hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Các công trình kiến trúc văn hóa và lịch sử giá trị như ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, đền Bạch Mã, đền Quan Đế, đền Hương Tượng… đã được “đánh thức” bằng các chương trình biểu diễn nghệ thuật đương đại và truyền thống, tất cả đều miễn phí.

Các chương trình biểu diễn hát xẩm, chầu văn, ca trù... không chỉ khiến khách nước ngoài thích thú mà cũng thu hút được đông đảo người dân Hà Nội, đặc biệt là giới trẻ. Điều này cho thấy những người trẻ không hề quay lưng với nghệ thuật truyền thống mà rất hào hứng và say mê tìm hiểu. Ngoài điểm biểu diễn hát xẩm ở đền Hương Tượng do Công ty cổ phần Đồng Xuân hỗ trợ kinh phí, các điểm biểu diễn khác đều theo hình thức xã hội hóa. 

Điểm khác biệt lớn nhất ở khu phố đi bộ mở rộng này với tuyến phố thương mại Hàng Ngang-Hàng Đào là không quá đông đúc. Những không gian nghệ thuật được bố trí riêng biệt đáp ứng nhu cầu của từng du khách mà không bị ồn ào, pha tạp. Ở một góc phố khác, 61 Lương Ngọc Quyến không gian biểu diễn nhạc Jazz cũng được bố trí ngay trên hè phố. Các nhóm nghệ sĩ đường phố thả hồn phục vụ cho những ai yêu thích nghệ thuật đương đại tạo nên không gian nghệ thuật đa màu sắc. 

Lượng khách du lịch tham gia vào hoạt động của tuyến phố tăng cao đã tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh trên tuyến phố, các khách sạn, nhà hàng được hưởng lợi, hoạt động hiệu quả hơn. 

Lạc vào phố cổ, “no bụng đã tai”
Nhộn nhịp ngã tư quốc tế: Đoạn giao cắt giữa phố Tạ Hiện và Lương Ngọc Quyến trở thành chốn nhộn nhịp nức tiếng trong lòng phố cổ, được gắn với cái tên rất “kêu” - ngã tư quốc tế. Điểm đặc sắc nhất ở nơi đây là việc thưởng thức những show nhạc cực kỳ ngẫu hứng nhưng cũng rất “chất” từ những ban nhạc đường phố. Điểm thú vị là các nhạc công sẵn sàng chơi nhạc theo yêu cầu của khách du lịch, từ các thể loại flamenco, jazz, nhạc cổ điển cho đến rock… 

Nghe Ca trù - “đặc sản” phố cổ: Đến với phố cổ, du khách không thể bỏ qua chương trình ca trù hàng tuần do những nghệ nhân Ca trù Thăng Long biểu diễn do ca nương Phạm Thị Huệ chủ nhiệm. Mỗi canh hát thu hút khoảng 20 khách, trong đó các ca nương sẽ giới thiệu về lịch sử nghệ thuật ca trù Thăng Long đồng thời giúp khán giả trải nghiệm những tinh túy của làn điệu ca trù qua nhịp sênh phách, tiếng đàn đáy nỉ non. Hiện chương trình được tổ chức đều đặn vào 20h thứ ba, năm, sáu, bảy và chủ nhật hàng tuần tại đền Quan Đế, 28 Hàng Buồm.  

 Múa rối nước Thăng Long: Nói đến Nhà hát Múa rối Thăng Long (57B Đinh Tiên Hoàng) là nhắc đến kỷ lục chưa từng có – nhà hát duy nhất ở châu Á “đỏ đèn” 365 ngày/năm và cũng là địa điểm mà du khách quốc tế không thể bỏ qua khi đến với Thủ đô Hà Nội. Đến đây, khán giả có thể thưởng thức các màn rối nước đặc sắc như: Trống hội Thăng Long, múa rồng, Tễu giáo trò, truyền thuyết Lê Lợi trả gươm, em bé chăn trâu thổi sáo… 
 
Đặc sắc ẩm thực phố cổ: Đến với phố cổ mà không thưởng thức những món đặc sắc thì thật là đáng tiếc. Du khách có thể thưởng thức món nộm hồ Hoàn Kiếm, lê la nem rán, nem nướng ngõ Tạm Thương, Ấu Triệu, hoa quả dầm Tô Tịch, hay dạo một vòng phố Tạ Hiện thưởng thức đủ các món ăn được giới trẻ “bỏ túi" như phô mai que, chim cút nướng, trà chanh, chè chuối… Nếu chưa bao giờ thưởng thức cà phê trứng, chắc chắn bạn sẽ được mách nước để tìm đường vào những “thương hiệu” lâu đời của người Hà Nội như quán cà phê Đinh hay Giảng. 
Phương Nhi

Tăng cường kiểm tra xử lý các điểm trông giữ xe trái phép
Theo ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân, để giải quyết giao thông tĩnh ở tuyến phố đi bộ, UBND quận Hoàn Kiếm đã thực hiện thí điểm tận dụng gầm cầu Chương Dương tổ chức trông giữ xe máy các tối cuối tuần; tăng cường kiểm tra xử lý các điểm trông giữ xe trái phép. Theo đó, hơn 2.000 xe máy của người dân trong khu vực phố đi bộ đã được dán tem để được đem ra bãi gửi miễn phí, nhường vỉa hè để tổ chức các hoạt động kinh doanh khác. Cùng đó, các chốt giao thông được thiết lập nhằm chấn chỉnh tình trạng lộn xộn gây mất trật tự giao thông, thiếu văn minh đô thị tại các tuyến phố. Ông Đỗ Xuân Thủy cho biết, tại tuyến phố đi bộ mở rộng còn tồn tại những điểm trông giữ xe tự phát “chặt chém” du khách, điều này để lại ấn tượng rất xấu trong lòng du khách.