Hút khách du lịch - cần thay đổi tư duy

ANTĐ - “Bấy lâu nay chúng ta nghĩ rằng có điểm đến hấp dẫn mới có đường bay. Tôi cho rằng đã đến lúc phải thay đổi tư duy, bởi nếu không có đường bay tốt thì làm sao du khách biết tới điểm đến” – đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng nhằm tăng cường sự phối hợp  của ngành  giao thông – vận tải trong việc thúc đẩy phát triển du lịch.
Hút khách du lịch -  cần thay đổi tư duy ảnh 1

Không có cảng biển du lịch sẽ hạn chế trong việc đưa các hãng tàu biển lớn đến Việt Nam

Mở đường bay mới: Cần hỗ trợ doanh nghiệp

Theo ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, mặc dù lượng khách du lịch suy giảm do những điều kiện khách quan, nhưng vận tải hàng không vẫn đạt được tăng trưởng tốt. Năm 2014, tổng thị trường hàng không Việt Nam vận chuyển đạt 33,15 triệu khách, tăng 12,3% so với năm 2013, trong đó, riêng vận chuyển khách quốc tế đạt 15,6 triệu khách, tăng 4,2%.

Xung quanh vấn đề nâng cao hiệu quả quảng bá xúc tiến, thu hút khách du lịch từ 5 nước Tây Âu và Belarus vừa được miễn thị thực, ông Lại Xuân Thanh cho rằng, nếu ra thời hạn 1 năm để  các hãng hàng không tập trung mở đường bay mới, khai thác các thị trường này thì khá bị động cho doanh nghiệp. Nếu không có chính sách dài hạn thì trong 1 năm, muốn kéo lượng khách tăng trở lại sẽ  rất khó khăn. 

Chia sẻ khó khăn này,  ông Phạm Ngọc Minh – Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines bày tỏ, nếu không có sự bắt tay giữa các doanh nghiệp thì khó có thể triển khai đầu tư đường bay mới. “Ngay cả trong thị trường nội địa, khi Vietnam  Airlines và công ty Vietravel khai thác một đường bay ngắn như Đà Lạt – Cần Thơ cũng phải tính toán nhiều yếu tố như địa phương hỗ trợ như thế nào, giảm giá vé ra sao, hay nâng cao dịch vụ du lịch tại điểm đến như thế nào” – ông Phạm Ngọc Minh cho biết. 

Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng cho rằng: “Để chuẩn bị cho các đường bay mới, các hãng hàng không phải đầu tư nhiều năm liền. Bởi vậy, nếu miễn thị thực 1 năm thì các hãng hàng không không dám mạnh dạn đầu tư”. Bộ trưởng Đinh La Thăng kiến nghị kéo dài thời hạn miễn thị thực đến 5 năm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Mặt khác, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nhấn mạnh: “Bấy lâu nay chúng ta nghĩ rằng có điểm đến hấp dẫn mới có đường bay. Tôi cho rằng đã đến lúc phải thay đổi tư duy, bởi nếu không có đường bay tốt thì làm sao du khách biết tới điểm đến”. 

“Gỡ khó” cho đường sắt, đầu tư cảng du lịch 

Liên quan đến nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông vận tải phục vụ khách du lịch, ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, một số loại hình vận tải khách du lịch mặc dù đã được cải thiện nhưng chất lượng dịch vụ còn chưa tương xứng với yêu cầu. Riêng về dịch vụ đường sắt, nhìn chung, hệ thống đường sắt, toa tàu, nhà ga Việt Nam còn lạc hậu.

Không chỉ chưa khai thác được lợi thế để phục vụ du lịch, vận tải đường sắt còn tỏ ra yếu thế khi cạnh tranh với vận tải đường bộ, đường không, đặc biệt là tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai sau khi đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi vào hoạt động. Tuy vậy, ông Trần Ngọc Thành – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết, cách đây 3-4 tháng, tuyến tàu hỏa Hà Nội – Lào Cai đã thu hút lượng khách quốc tế trở lại. Ông thẳng thắn: “Tất cả các du khách quốc tế đến Việt Nam đều muốn đi du lịch bằng tàu hỏa, tuy nhiên chúng ta không đáp ứng được do quan điểm của ngành đường sắt có vấn đề”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ  VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh nhận định: “Điều tôi trăn trở là làm sao để có toa tàu du lịch, khi du khách bước vào thấy thơm tho, dễ chịu. Tôi cho rằng du khách sẵn sàng chấp nhận bỏ tiền cao hơn để hưởng dịch vụ tốt, thoải mái khi đi tàu”. 

Liên quan đến hoạt động vận tải đường thủy, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết,một số vụ tai nạn đường thủy, chìm tàu du lịch trong thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh điểm đến.

Trong khi đó, mặc dù có sự tăng trưởng nhưng lượng khách du lịch tàu biển đến Việt Nam còn chiếm tỉ lệ rất nhỏ, dưới 5% trong tổng cơ cấu khách Việt Nam. Đặc biệt Việt Nam chưa có cảng hành khách chuyên dụng, đặc biệt là nhà ga để đón khách du lịch tàu biển và phải sử dụng chung với các cảng hàng hóa. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút các hãng tàu lớn đưa khách đến Việt Nam.

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, Bộ GT-VT sẽ xây dựng thể chế để đề xuất Chính phủ ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư xây dựng bến cảng du lịch. Trong đó, định hướng vào những khu vực trọng điểm như cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Phú Quốc hay TP.HCM, Hải Phòng…, tạo điều kiện cho các cảng biển đón khách du lịch trong thời gian tới.