Hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân: Để "ngày về" thêm sáng

ANTD.VN - “Sự cần thiết và ý nghĩa nhân văn của việc hướng nghiệp, dạy nghề, lao động đối với phạm nhân là để họ biết và trân trọng sức lao động; xa hơn nữa, đó là hành trang quý để nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng”, Thượng tá Phạm Văn Hân - Giám thị Trại tạm giam số 2 - CATP Hà Nội, nhìn nhận.

Các phạm nhân ở Trại tạm giam số 2 - CATP Hà Nội chuẩn bị cho bữa ăn tập thể

“Ngôi nhà” thứ hai

Tham quan cơ sở vật chất Trại tạm giam số 2 - CATP Hà Nội đóng tại huyện Thường Tín, ấn tượng rõ nét là sự phong quang, thoáng đãng và hết sức quy củ. Các lối đi đều hết sức sạch sẽ, ngăn nắp, đặc biệt là bóng dáng các phạm nhân cần mẫn cắt tỉa cây xanh, quét dọn lá cây, hay lấp loáng mồ hôi ở khu bếp ăn bên những chảo cơm, canh lớn. 

“Tôi vi phạm pháp luật và phải chịu sự phán xét nghiêm minh của pháp luật. Nhưng từ thời điểm bị bắt tạm giam, rồi thi hành án, những suy nghĩ đã không còn nặng nề. Tôi sẽ có ngày về bằng quá trình cải tạo tốt, và ở đây, tôi cũng như nhiều phạm nhân khác được tạo môi trường thuận lợi để cải tạo, lao động”, phạm nhân Nguyễn Viết Ánh (22 tuổi, nhà ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chấp hành án về tội cố ý gây thương tích tại Trạm tạm giam số 2 cho biết.

Phạm nhân Ánh tâm sự, những ngày cải tạo, giam giữ ở Trại tạm giam số 2 đã giúp anh có cơ hội nhìn nhận được nhiều hơn về cuộc sống. Hơn 22 tuổi, Nguyễn Viết Ánh từng nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ biết trồng rau, nấu bếp, bởi được gia đình cưng chiều. Nhưng khi thi hành án tại Trại, những việc cơ bản  ấy Ánh đã làm được và làm một cách thành thục. “Một bữa cơm chín ngọt, một khóm cây sạch sâu và lá khô; những thành quả ấy phải làm, phải lao động mới ý thức được giá trị”, Nguyễn Viết Ánh nói.

Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Xuân Nam - Phó Giám thị Trại tạm giam số 2 cho biết, như những cơ sở tạm giam, trại giam khác của Bộ Công an, một trong những vấn đề hết sức quan trọng được Ban Giám thị lưu tâm là hướng nghiệp, là “rèn” cho phạm nhân ý thức của việc lao động trong quá trình cải tạo. Chỉ có bằng lao động, hăng say lao động, định hướng cho bản thân nghề nghiệp cơ bản thì khi trở về, mỗi phạm nhân mới có được sự bắt nhịp nhanh với cộng đồng.

Đồng quan điểm với Thượng tá Nguyễn Xuân Nam - Đại tá Chu Xuân Thọ - Giám thị Trại tạm giam số 1 CATP Hà Nội nhìn nhận, từ thực tế công tác, việc hướng nghiệp, tổ chức cho phạm nhân lao động là hết sức cần thiết. Việc tổ chức để các phạm nhân lao động đơn giản không phải hướng đến giá trị vật chất, mà mục tiêu cao nhất, để họ thấy được ý nghĩa của lao động, và có ích cho xã hội, cộng đồng.

Giảm “nguồn” tội phạm

Ở các trại giam, trại tạm giam, việc tổ chức giáo dục hướng thiện, hướng nghiệp, dạy nghề là một trong những yếu tố hết sức quan trọng giúp các phạm nhân khi được đặc xá, giảm án tha tù trở về bớt mặc cảm, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng và sớm ổn định cuộc sống. Tất cả các phạm nhân đủ điều kiện đặc xá, giảm án tha tù đều được tham gia lớp tái hòa nhập cộng đồng, trong đó nội dung quan trọng là tư vấn, định hướng nghề nghiệp.

Đại diện Cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp cho biết, trong những năm qua, các trại giam, trại tạm giam Bộ Công an đều xác định, cùng với việc giáo dục cải tạo phạm nhân, thì vấn đề dạy nghề, hướng nghiệp cho phạm nhân trong quá trình chấp hành án cải tạo cần được chú trọng. Vì vậy trong mỗi trại giam, trại tạm giam đều tổ chức học nghề, dạy nghề cho các phạm nhân từ những nghề thủ công đến những nghề đòi hỏi kỹ thuật cao. 

Có trại giam đã mời các trung tâm việc làm, trung tâm xúc tiến việc làm ở các địa phương, nơi có nhiều phạm nhân đặc xá trở về đến tư vấn cho các phạm nhân. Thông qua quá trình hướng nghiệp, học nghề, lao động, phạm nhân có điều kiện phát huy hoặc trang bị vốn kiến thức về nghề sau khi mãn hạn tù. “Công tác hướng thiện, hướng nghề cho phạm nhân ngay từ trong quá trình cải tạo ở trong các trại giam, trại tạm giam đã có hiệu quả tích cực, giúp người được đặc xá trở về đi lên từ chính đôi tay của mình, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật”, đại diện Cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đánh giá.

Thực tế cho thấy, những người từng “vấp ngã”, khi trở về thường bị tâm lý mặc cảm, tự ti, thậm chí là chịu sự kỳ thị. Nếu không có sự quan tâm kịp thời ngay từ đầu, họ rất dễ vấp ngã trở lại. Vì vậy, sự đồng hành của người thân, gia đình, của cấp chính quyền địa phương cũng như sự giúp đỡ những người được đặc xá có điều kiện vay vốn làm ăn, hỗ trợ công việc chính là cơ sở giúp họ có thêm niềm tin, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.