Hòn ngọc Viễn Đông đang oằn mình trong khói bụi, kẹt xe

ANTD.VN - "Nơi được xem là Hòn ngọc Viễn Đông đang oằn mình trong khói bụi, kẹt xe, ngập chìm sau những cơn mưa nặng hạt. Nếu chúng ta không mạnh dạn 'vượt rào', không đủ tự tin một lần dấn thân cho cái mới thì tiềm năng vẫn mãi là viễn cảnh tốt đẹp trong các đề án", đại biểu Phạm Trọng Nhân nói tại phiên thảo luận Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM, sáng 20-11.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều đồng tình với việc cần có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP.HCM, đồng thời đưa ra nhiều phân tích, góp ý vào dự thảo Nghị quyết trước khi Quốc hội bấm nút thông qua vào ngày 24-11 tới.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng dù làm ra nhiều của cải vật chất, đóng góp 21 cho GDP cả nước, 28% tổng thu ngân sách nhưng tỷ lệ điều tiết để lại cho TP.HCM ngày càng ít đi và nay là thấp nhất cả nước.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng nếu không đủ tự tin một lần dấn thân cho cái mới thì tiềm năng vẫn mãi là viễn cảnh tốt đẹp trong các đề án

Nếu như thành phố làm ra 100 đồng, phải điều tiết về Trung ương 82 đồng, 18 đồng giữ lại phải trang trải cho chi thường xuyên, đầu tư phát triển, trả nợ và nhiều khoản chi khác. Con số khá ít ỏi này so với nhu cầu đầu tư, giải quyết các tồn tại để tiếp tục giữ vai trò đầu tầu kinh tế cả nước.

Từ đánh giá trên, đại biểu Phạm Trọng Nhân khẳng định: “Những tồn tại và thách thức thành phố đang đối mặt, trong khi nguồn sách thu không đủ chi và chi cho phát triển đầu tư phát triển phụ thuộc vào vay vợ của Chính phủ thì một cơ chế đặc thù là đòi hỏi cấp bách không thể không có trong giai đoạn hiện nay”.

Ông Nhân hình ảnh hóa: "Nơi được xem là Hòn ngọc Viễn Đông đang oằn mình trong khói bụi, kẹt xe, ngập chìm sau những cơn mưa nặng hạt", và khẳng định: "Nếu chúng ta không mạnh dạn 'vượt rào', không đủ tự tin một lần dấn thân cho cái mới thì tiềm năng vẫn mãi là viễn cảnh tốt đẹp trong các đề án".

Một cơ chế, chính sách đặc thù sẽ giúp TP.HCM bứt lên, phát triển xứng tầm với vị thế "đầu tầu" kinh tế cả nước

Đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đánh giá Nghị quyết này tuy chưa là tuyệt đối nhưng đủ mạnh để thành phố phát triển nhanh hơn trong thời gian tới. Tinh thần Nghị quyết không chỉ dành cho TP.HCM mà vì sự phát triển chung của cả nước.

Ông Tuấn bày tỏ thống nhất với 8 nhóm vấn đề như trong dự thảo Nghị quyết và có ý kiến với một chỉ tiêu về chính sách thuế. Đó là thống nhất thí điểm tăng thuế suất và thu thuế tài sản, sau đó tổng kết nhân rộng; thống nhất không tăng tất cả các loại thuế, vì nếu tăng nhiều loại thuế sẽ là lợi thế lợi thế trước mắt nhưng không mang lại hiệu quả lâu dài. 

Theo dự thảo, Nghị quyết quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM về quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.

Ngày 24-11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu được thông qua, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 và được thực hiện trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành.