Hơn 500 chung cư chây ỳ bàn giao quỹ bảo trì, Giám đốc Sở Xây dựng nhận trách nhiệm

ANTD.VN - Đến thời điểm này, trong tổng số 688 tòa nhà chung cư thương mại trên địa bàn Hà Nội, mới chỉ có 184 tòa nhà mà chủ đầu tư đã bàn giao quỹ bảo trì 2% cho ban quản trị nhà, tỷ lệ quá thấp, dẫn tới xảy ra nhiều tranh chấp, bức xúc… Vậy ai chịu trách nhiệm?

Đại biểu HĐND TP chất vấn về công tác quản lý vận hành nhà chung cư

Mở đầu phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hà Nội sáng nay, 6-7, các đại biểu (ĐB) đã nêu ra hàng loạt tồn tại trong quản lý, vận hành nhà chung cư, nhà tái định cư trên địa bàn thành phố và đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội làm rõ trách nhiệm, giải pháp. 

ĐB Nguyễn Nguyên Quân (Hoàng Mai) cho biết, trên địa bàn thành phố có 173 nhà chung cư thương mại hình thành trước khi có Luật Nhà ở năm 2005, nhiều nhà không có diện tích riêng cho sinh hoạt cộng đồng, không có quỹ bảo trì 2%. UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo về việc này nhưng đến nay kết quả thực hiện rất hạn chế. Đề nghị Sở Xây dựng cho biết giải pháp khắc phục bất cập này và trách nhiệm thuộc về ai?

Vấn đề thứ hai được ĐB Nguyễn Nguyên Quân chất vấn là hiện tại, nhiều nhà chung cư thương mại trên địa bàn thành phố đã thành lập Ban quản trị tòa nhà nhưng chủ đầu tư cố tình trì hoãn không bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị hoặc ban giao nhỏ giọt, kéo dài, vi phạm quy định.

“Dù vậy, cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc xử lý khiến cư dân bức xúc, khiếu nại tố cáo chủ đầu tư, kiến nghị kéo dài. Vậy trách nhiệm của Sở Xây dựng như thế nào và giải pháp khắc phục?” – Trưởng Ban Đô thị - HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân hỏi.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND TP

Trả lời câu hỏi của các ĐB, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, dù 2 năm qua thành phố đã có rất nhiều cố gắng trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư song thực tế vẫn còn nhiều tồn tại. Hiện toàn thành phố có 688 nhà chung cư thương mại, 168 nhà chung cư tái định cư.

Theo ông Dục, những hạn chế mà các ĐB nêu là hoàn toàn đúng. Chẳng hạn, về phản ánh nhiều chủ đầu tư cố tình không bàn giao cho ban quản trị các toà nhà chung cư thương mại, tỷ lệ tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị còn thấp và chậm chễ…

Về nguyên nhân, đối với nhà thương mại, có tình trạng chủ đầu tư các tòa nhà không muốn tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị, hoặc tổ chức nhưng người dân tham gia không đầy đủ cơ số từ 50-70% theo quy định. Trách nhiệm trong việc này thuộc về cả chủ đầu tư lẫn người dân.

Tuy nhiên, trách nhiệm chính trong việc để xảy ra các tồn tại nói trên, từ tổ chức hội nghị nhà chung cư, bàn giao hồ sơ, bàn giao diện tích chung riêng trong đó có diện tích dành sinh hoạt cộng đồng tại các tòa nhà chung cư… thuộc về UBND các quận, huyện, thị xã.

“Còn với Sở Xây dựng chịu trách nhiệm về vấn đề yêu cầu chủ đầu tư các nhà chung cư bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị các tòa nhà, đây cũng là việc khó nhất” – ông Dục nói, đồng thời chỉ rõ: “Nguyên nhân vẫn là do chúng ta chưa vào cuộc kiên quyết”.

Về giải pháp, 2 năm qua, Sở Xây dựng đã tăng cường kiểm tra và xử phạt các vi phạm theo quy định. Mặt khác, có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư nhà chung cư phải bàn giao quỹ bảo trì 2% cho ban quản trị các tòa nhà. Đến thời điểm này đã có 184 nhà trên tổng số 688 tòa nhà chung cư được bàn giao quỹ bảo trì này, dù vậy đây vẫn là tỷ lệ quá thấp.

“Tỷ lệ thấp như vậy nên đương nhiên dẫn đến có tranh chấp. Trách nhiệm chính trong việc này thuộc về Sở Xây dựng. Chúng tôi xin nhận” – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục thẳng thắn.

Thời gian tới, ông Dục cho biết, Sở Xây dựng sẽ tham mưu cho UBND TP ra quyết định cưỡng chế với những chủ đầu tư nhà chung cư cố tình vi phạm, chây ỳ không thực hiện các quyết định, văn bản của thành phố. Đây là chế tài mạnh nhất.

Song theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, quan trọng hơn vẫn là UND các quận, huyện, thị xã phải vào cuộc quyết liệt khi mà chủ đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện không thành công. Ngoài ra, người dân ở các tòa nhà cũng phải có trách nhiệm cùng tham gia.