Hơn 37.000 phương tiện giao thông bị tạm giữ đã hư hỏng

ANTD.VN -Giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về tình hình tạm giữ tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính chiều 12/12, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, đến tháng 9/2019, công an các đơn vị và địa phương còn tồn đọng 136.989 phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được, trong đó trên 37.000 phương tiện đã hư hỏng. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên giải trình về tạm giữ tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ. Tham gia phiên giải trình còn có bà Đặng Hoàng Oanh – Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Lê Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông La Văn Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý công sản – Bộ Tài chính...

Tồn đọng  136.989 phương tiện vi phạm quá thời hạn tạm giữ chưa xử lý

Báo cáo về tình hình tạm giữ tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, từ 2013-tháng 9/2019 công an các đơn vị, địa phương đã tạm giữ gần 4,3 triệu phương tiện giao thông đường bộ (GTĐB).

Theo Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thủ tục tịch thu bán đấu giá phương tiện mất nhiều thời gian, qua nhiều khâu. Nhiều phương tiện không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không xác định được chủ sở hữu hoặc người sử dụng hợp pháp do mua bán, chuyển nhượng, tặng cho phương tiện nhưng không thực hiện thủ tục sang tên…

Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất tại các nơi tạm giữ của công an các đơn vị, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu tạm giữ, bảo quản. Việc gia tăng số lượng phương tiện quá thời hạn tạm giữ mà chưa xử lý được dẫn đến tình trạng quá tải. Tại nhiều địa phương, nơi tạm giữ phương tiện xuống cấp, không đảm bảo các điều kiện về an toàn dẫn đến cháy nổ.

Thiếu tướng nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an giải trình trước UBPL của Quốc hội

Trong khi đó, thủ tục tạm giữ, tịch thu, thanh lý còn phức tạp. Việc tiếp nhận, quản lý sử dụng kinh phí chi cho hoạt động quản lý, bảo quản phương tiện GTĐB thực hiện theo Nghị định 115/2013/NĐ-CP và Thông tư 173/TT-BTC. Song nhiều trường hợp phương tiện tịch thu có giá trị thấp, sau khi bán đấu giá không đủ chi trả cho việc thực hiện giám định, định giá, thuê vận chuyển. Việc đặt tiền bảo lãnh phương tiện GTĐB bị tạm giữ theo thủ tục hành chính được thực hiện rất ít.

Để giải quyết những tồn tại nêu trên, Bộ Công an kiến nghị rà soát, sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản liên quan theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng hình thức đặt tiền bảo lãnh để giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền. 

Với tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị thấp hoặc không còn giá trị sử dụng mà chủ sở hữu, người sử dụng  hợp pháp không đến nhận thì cần có quy định rút gọn các thủ tục  xử lý tài sản, tránh để tồn đọng lâu ngày, bỏ quy định về phí lưu kho, phí bến bãi, nghiên cứu đề xuất các giải pháp để giải quyết tình trạng không làm thủ tục sang tên khi mua bán, tặng cho phương tiện, ban hành văn bản hướng dẫn về mức phí tạm giữ…

Cần có quy định xã hội hóa điểm tạm giữ phương tiện

Tham gia phiên giải trình, Đại biểu Bùi Văn Xuyền nêu ý kiến về tình trạng tồn đọng phương tiện vi phạm GTĐB vi phạm tại các bãi trông giữ gây phản cảm. "Tôi đi 3 tỉnh thấy thực trạng này còn nhiều vấn đề. Cụ thể là bãi tạm giữ phương tiện ở Thủ Dầu Một nhìn rất phản cảm, cỏ mọc qua xe. Nguyên nhân dẫn đến tồn đọng là cả “đầu vào”, “đầu ra” đều vướng mắc. Có thể thấy, quy định hiện hành về việc tạm giữ phương tiện khá dễ dãi nên cần xem xét sửa đổi nội dung này" - Đại biểu Xuyền đề xuất.

Về việc xử lý đối với phương tiện không ai đến nhận, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương bày tỏ lo ngại "nếu quy trình giải quyết không chặt chẽ thì đây là chỗ tiêu thụ xe gian, hợp pháp hóa xe lậu. Có trường hợp xe lậu giá trị cao, cố tình vi phạm để bị tạm giữ đến khi thanh lý họ tìm cách mua lại xe đó rồi đăng ký lại, khi đó từ xe bất hợp pháp sẽ thành hợp pháp" - Đại biểu Cương nêu ví dụ.

Phát biểu tại phiên giải trình, Đại biểu Phan Thái Bình nêu thực trạng, nhiều phương tiện bị tạm giữ không có giá trị, giá trị thấp không đủ điều kiện lưu hành, khi thanh lý tài sản này nhưng tiền thu được khi bán không đủ chi phí. Theo Đại biểu, cần cân nhắc phương án tiêu hủy hoặc bán phế liệu.

"Tôi nghe nói có phương tiện còn mới, tốt, nhưng sau khi bị tạm giữ mấy ngày lấy ra thì phụ tùng đã bị hư hỏng, thay thế. Cần làm rõ có việc này hay không? Nếu có thì trách nhiệm bồi thường đặt ra thế nào?" - Đại biểu Bình đặt câu hỏi. 

Giải trình về các nội dung trên, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, về quy trình giải quyết đối với phương tiện chủ bỏ, cơ quan chức năng sẽ tiến hành giám định số khung số máy, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và đấu giá. Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, hiện có 32 tỉnh cơ quan chức năng phải thuê kho bãi trông giữ phương tiện bị tạm giữ bên ngoài, chưa đảm bảo yêu cầu, điều kiện đặt ra. Do vậy, thời gian tới khi sửa đổi các quy định liên quan, cơ quan soạn thảo nên bổ sung quy định xã hội hóa các điểm tạm giữ phương tiện.

"Về thông tin các phương tiện bị tạm giữ bị tráo đổi phụ tùng, theo quy định có thống kê thiết bị, biên bản bàn giao, chế tài xử lý đối với vi phạm trong quản lý vật chứng. Trong quá trình thực hiện cơ quan công an chưa nhận được yêu cầu nào đòi bồi thường" - Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.