Hơn 3/4 diện tích khu công nghệ cao Hòa Lạc trống doanh nghiệp, Bộ KH&CN đề nghị Hà Nội hỗ trợ tháo gỡ khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) được khởi động từ năm 1998 đến nay nhưng phần lớn thời gian dành cho giải phóng mặt bằng. Đến nay, số doanh nghiệp vào đây mới “lấp” được 1/4 diện tích, tổng vốn khoảng 4 tỷ USD…

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ thăm một nhà máy trong khu công nghệ cao Hòa Lạc

Sáng 10-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã tới thăm Khu công nghệ cao Hoà Lạc và làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Tham gia cuộc làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung…

Thông tin tại buổi làm việc, quyền Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc Lưu Hoàng Long cho biết, đến nay, UBND TP Hà Nội đã giao cho Ban Quản lý 1.530ha trên tổng số 1.586ha để xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao theo quy hoạch.

Đến thời điểm hiện nay, tổng diện tích đất các nhà đầu tư đang sử dụng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc khoảng 240ha trên tổng số khoảng 1.000ha đất khả dụng theo quy hoạch (tức mới lấp đầy gần 1/4 diện tích).

Từ năm 2019 đến nay, có 8 dự án mới đã được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc với tổng vốn đăng ký khoảng trên 14.000 tỷ đồng.

Đã có một số sản phẩm công nghệ cao tiêu biểu được sản xuất tại khu công nghệ cao Hòa Lạc

 Lũy kế từ khi thành lập đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 94 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 89.300 tỷ đồng. Trong đó có 51 dự án đang hoạt động với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 năm gần đây đạt trên 4 tỷ USD.

Cũng theo ông Long, hiện nay, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc có khoảng trên 22.000 người đang học tập và làm việc (khoảng gần 9.000 học sinh, sinh viên và khoảng 13.000 người lao động).

Đặc biệt, hiện nay đã có một số sản phẩm công nghệ cao tiêu biểu được phát triển, sản xuất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc như: điện thoại thông minh 5G, thiết bị mạng 5G do Công ty Vinsmart hợp tác với Qualcomm sản xuất; Rada cảnh giới biển ứng dụng công nghệ 4G, 5G của Tập đoàn Viettel; Cấu kiện động cơ máy bay, các dụng cụ cắt gọt công nghệ cao trong công nghiệp hàng không…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ KH&CN và Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã nêu 6 nhóm kiến nghị với thành phố Hà Nội nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật kết nối hay đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy… trong khu công nghệ cao.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, Khu công nghệ cao Hòa Lạc được khởi động từ năm 1998 đến nay nhưng 3/4 chặng đường là dành cho công tác giải phóng mặt bằng. Đến nay, bức tranh của Khu công nghệ cao Hòa Lạc cơ bản đã thành hình, hệ sinh thái của một khu công nghiệp công nghệ cao với chuỗi sản xuất đồng bộ để đưa ra các sản phẩm “Made in Việt Nam” ngày càng rõ.

Tuy nhiên, để tiếp tục thúc đẩy phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc xứng đáng với sự kỳ vọng và góp phần phát triển kinh tế Thủ đô, đất nước, Bộ KH&CN rất mong muốn thành phố Hà Nội hỗ trợ tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc đang gặp phải ở khu vực này.

Trao đổi trực tiếp về một số kiến nghị tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc trên 5 lĩnh vực như: Xúc tiến kêu gọi đầu tư; phối hợp trong xử lý thủ tục cấp phép đầu tư; tham gia vào quá trình đàm phán với Ban Quản lý Khu công nghệ cao trong hỗ trợ đầu tư phát triển, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trước mắt có thể đấu nối để cấp nước sạch ngay vào khu công nghệ cao Hòa Lạc; nhanh chóng hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân; bố trí các tuyến xe buýt đưa đón công nhân của Khu công nghệ cao…

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ một lần nữa nhấn mạnh, lĩnh vực khoa học công nghệ luôn được thành phố đặc biệt quan tâm và đặt mục tiêu phải là trung tâm khoa học công nghệ lớn của cả nước, khu vực cũng như của thế giới.

Bí thư Thành ủy bày tỏ vui mừng trước sự phát triển gần đây của khu công nghệ cao Hòa Lạc song cũng thẳng thắn cho rằng, kết quả phát triển ở khu công nghệ này còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng, chưa tương xứng với vị thế của khu công nghệ cao. Trong đó, tổng số vốn đầu tư đăng ký mới đạt gần 4 tỷ USD, rồi cả khu rộng 1.000 ha khả dụng nhưng tỷ lệ lấp đầy mới chỉ đạt 240ha…

Nhắc lại việc đô thị vệ tinh Hòa Lạc là 1 trong 5 đô thị vệ tinh đầu tiên của Hà Nội vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 1/10.000, trong đó khu công nghệ cao Hòa Lạc là phần lõi, đồng chí Vương Đình Huệ cho rằng, khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện đã hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nên cần phải xác định thời cơ và tranh thủ sự đầu tư của trung ương, thành phố để phát triển.

Bí thư Thành ủy cũng lưu ý, trong quá trình thu hút đầu tư, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc cần lựa chọn những lĩnh vực công nghệ cao và sử dụng ít đất nhưng mang lại hiệu quả lớn, nhất là các hoạt động nghiên cứu công nghệ cao, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, ươm tạo công nghệ và tạo hệ sinh thái cho các starup…