Hôm nay, Thủ tướng dự Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam

ANTD.VN - Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có chủ đề: “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” và khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam” diễn ra vào hôm nay (9-5). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn.

Thủ tướng thăm các gian trưng bày sản phẩm công nghệ tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cơ hội cho Việt Nam hóa rồng nhờ công nghệ

Dự kiến, Diễn đàn sẽ thu hút khoảng 1.000 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), cơ hội hóa rồng cho Việt Nam đang đến với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số ICT, lĩnh vực mà người Việt Nam có nhiều tiềm năng.

Tương lai và triển vọng kinh tế của mỗi quốc gia không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, nên một quốc gia đang phát triển, với ít hành trang của quá khứ, hoàn toàn có thể đi nhanh hơn và đuổi kịp các nước phát triển.

“Vì vậy, ứng dụng và phát triển công nghệ, xây dựng cộng đồng 100.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ là một trong các giải pháp đột phá để kinh tế Việt Nam bứt phá, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045”- Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm cho biết.

Theo lãnh đạo Bộ TT-TT, trong khu vực, các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc … đã trở thành những con rồng châu Á, những cường quốc thế giới chỉ trong khoảng vài thập kỷ dựa vào phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông trong những năm gần đây.

Các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ như Toshiba, Samsung, LG, Sony, Foxconn… đã đi đầu trong phát triển nhiều công nghệ mới của thế giới và qua đó tạo dựng sức mạnh kinh tế của các quốc gia này.

Do vậy, việc phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt tạo ra giá trị gia tăng Việt Nam trên cơ sở huy động mọi tiềm năng và sức mạnh trí tuệ của con người Việt Nam được kỳ vọng tạo ra động lực tăng trưởng mới, nhanh và bền vững. 

Nêu cao khẩu hiệu "Make in Vietnam"

Trong “sân chơi” này, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ ở thế chủ động, từ thiết kế đến sản xuất những sản phẩm “Make in Vietnam”.

Lý giải về sự chuyển đổi từ "Made in Vietnam" thành "Make in Vietnam", bà Tô Thị Thu Hương- Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT-TT) cho biết, khẩu hiệu "Make in Vietnam" là câu tiếng Anh có khả năng tạo hiệu ứng truyền thông tốt.

"Đặc biệt, thay vì sự bị động trong "Made in Vietnam", "Make in Vietnam" thể hiện sự chủ động của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong sản xuất, thiết kế sản phẩm công nghệ, thể hiện khao khát của người Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ"- bà Tô Thị Thu Hương nói.

Theo ông Hùng Trần- Giám đốc công nghệ của Got It, việc tổ chức diễn đàn cho thấy, nếu phát triển kinh tế là các công ty công nghệ thành công sẽ mang lại giá trị nhiều hơn trong thời gian ngắn hơn, so với công ty truyền thống và đây là cách nhanh nhất để có nền kinh tế mạnh, mặc dù việc này sẽ vô cùng khó chứ không dễ như nói.

Đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng, đối với doanh nghiệp công nghệ, đội ngũ kỹ sư giỏi giữ vai trò nòng cốt để quyết định thành công. Tại Việt Nam, nhân sự công nghệ thông tin rất nhiều nhưng để làm ra sản phẩm thì không dễ. Đa số kỹ sư Việt Nam còn thiếu kỹ năng mềm, Tiếng Anh…

Tuy vậy, “các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không nên tự bó hẹp mình vào một thị trường nhỏ”- ông Hùng Trần nói.

Đánh giá về tiềm năng phát triển của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, ông Nguyễn Thế Tân- Tổng giám đốc VCcorp cho hay: “Trong kỷ nguyên số, nếu doanh nghiệp có nội dung, có phần mềm, có công nghệ, khi nước ngoài xuyên biên giới vào Việt Nam dễ dàng như thế nào, nếu doanh nghiệp Việt Nam có sức cạnh tranh thì chúng ta cũng có thể xuyên ngược biên giới ra bên ngoài. Vì thế, tôi rất đồng tình với chủ trương, định hướng chiến lược phát triển ICT Bộ TT&TT đề ra.

Trước tiên cần xây dựng sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam” để chúng ta sở hữu, làm chủ công nghệ, tạo ra sản phẩm của mình; sau đó chúng ta mang sản phẩm của doanh nghiệp mình ra nước ngoài kinh doanh”.

Lạc quan về khả năng của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, ông Phạm Hải Văn - Giám đốc khu vực miền Bắc - Công ty Haravan nêu quan điểm: “Mô hình kinh doanh của nước ngoài và Việt Nam khác nhau. Sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài thường phù hợp với doanh nghiệp vài trăm nghìn USD, chi phí lớn như vậy doanh nghiệp Việt Nam khó khăn.