Hôm nay, Quốc hội sẽ thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm

ANTD.VN - Cuối phiên làm việc chiều nay, 24-10, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy sẽ trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này.

Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín (ảnh minh họa)

Theo chương trình làm việc, khoảng 15h45 phút chiều nay, 24-10, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm, gồm 48 người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn (ngoại trừ Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông do chưa đủ thời gian giữ chức vụ theo quy định).

Những người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này gồm: Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, các thành viên Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Tiếp đó, Quốc hội sẽ thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử; Thảo luận ở Đoàn các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.

Được biết, trước khi diễn ra kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIV, các ĐBQH đã nhận được Bản báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ của 48 người dự kiến sẽ được lấy phiếu tín nhiệm. Bản báo cáo dài 285 trang, bao gồm phần tự kiểm điểm của các cá nhân trong diện lấy phiếu tín nhiệm.

Vào ngày mai, 25-10, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trên phiếu tín nhiệm ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu. Có 3 mức độ đánh giá tín nhiệm: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. 

Trao đổi với báo chí về nội dung này, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, dù những người được lấy phiếu tín nhiệm đều đã có báo cáo tự kiểm điểm để các ĐBQH nghiên cứu, tuy nhiên để đánh giá chính xác, sát thực tiễn thì các ĐBQH sẽ cần căn cứ vào quá trình thực hiện nhiệm vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

“Khi đánh giá tín nhiệm, ĐBQH không chỉ quan tâm đến sự phát triển của ngành do người được lấy phiếu tín nhiệm điều hành để đánh giá mà còn có những tiêu chí khác nữa.

Chẳng hạn, có những ngành ban đầu có dư luận này, dư luận khác nhưng khi phát hiện ra thì các Bộ trưởng đã xử lý ra sao? Quan trọng là tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị của Bộ trưởng để tháo gỡ vướng mắc đó khi mà có ý kiến của cử tri. ĐBQH sẽ nhìn một cách tổng quát như vậy” – ĐBQH Bùi Sỹ Lợi chia sẻ.