Hôm nay (5-9): Hơn 20 triệu học sinh cả nước bước vào năm học mới

ANTD.VN - Năm học mới 2017-2018 chính thức khai giảng vào hôm nay, ngày 5-9, với hơn 20 triệu học sinh cả nước náo nức tới trường.

Lễ khai giảng mở đầu năm học mới được ngành giáo dục cả nước thống nhất vào ngày    5-9 với yêu cầu tổ chức ý nghĩa, gọn nhẹ. Tại Hà Nội, phần lễ chỉ kéo dài trong khoảng 1 giờ và sau đó sẽ là phần hội, tùy theo nhu cầu của các trường. Để chuẩn bị cho năm học này, các tỉnh, thành phố đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng mới, bổ sung cơ sở vật chất trường lớp.

Không báo cáo thành tích

Trước yêu cầu tổ chức lễ khai giảng thiết thực, gọn nhẹ, phù hợp với tâm lý học sinh, tại Hà Nội, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ yêu cầu, ngày 5-9, các trường đón học sinh từ 7h đến 7h30 và lễ khai giảng được tổ chức ngay sau đó, chỉ kéo dài trong vòng một giờ. Lễ khai giảng gồm 6 hoạt động chính, bao gồm lễ chào cờ, hát Quốc ca (theo quy định, toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và các đại biểu dự lễ chào cờ hát Quốc ca); đại diện trường tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; đọc thư Chủ tịch nước gửi nhân ngày khai giảng; hiệu trưởng tuyên bố khai giảng năm học mới; đánh trống khai trường và tổ chức hoạt động tập thể.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi thư nhân dịp năm học mới

Nhân dịp khai giảng năm học 2017-2018, Chủ tịch nước   Trần Đại Quang đã gửi thư chúc mừng tới các thầy cô và học sinh cả nước. Trong đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh, năm học 2017-2018, ngành giáo dục cần tiếp tục triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Cần tập trung xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật cho sinh viên, học sinh.

Cần quan tâm đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng căn cứ kháng chiến trước đây, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chăm lo hơn nữa đối tượng chính sách, bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người dân.

Toàn thể học sinh, giáo viên, đại biểu tham dự lễ khai giảng phải hát Quốc ca, không hát theo hoặc mở băng thu sẵn. Tại nhiều địa phương, ngành giáo dục cũng yêu cầu bài phát biểu của đại biểu và diễn văn khai giảng của Hiệu trưởng cần ngắn gọn, súc tích, vì học sinh và lấy học sinh làm trung tâm buổi lễ, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Các trường không báo cáo thành tích tại lễ khai giảng. 

Để chuẩn bị tâm thế cho thầy và trò bước và năm học mới, thành phố Hà Nội đã đầu tư 60 tỷ đồng cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Công tác xây mới, sửa chữa trường lớp cũng được các quận, huyện tập trung dứt điểm trước thời điểm bước vào năm học. Trong đó, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt đầu tư gần 600 tỷ đồng để xây dựng 42 trường học. Theo kế hoạch, 26 trường học trong số này lần lượt được đưa vào sử dụng trong năm học 2017-2018, số còn lại sẽ bàn giao vào đầu năm học 2018-2019.  

Không được lơ là với dịch sốt xuất huyết

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, hiện nay, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đang có những diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, vẫn có một số trường học chưa chú trọng đến công tác này, do vậy, Sở đặc biệt yêu cầu các nhà trường cần phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các trung tâm y tế để làm tốt công tác phòng chống dịch trước và sau dịp khai giảng năm học mới. 

Đến thời điểm này, 100% các trường học đã được phun thuốc chống muỗi (từ 2-3 lần) để phục năm học mới. Tuy nhiên, theo TS.BS Nguyễn Thị Kiều Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, các trường học vẫn cần tiếp tục tuyên truyền về SXH và các biện pháp phòng chống; thành lập ngay các đội xung kích diệt bọ gậy của lớp, của trường. Khi có học sinh, nhân viên bị sốt cao phải nghỉ học, nghỉ làm, cần thông báo cho trạm y tế trên địa bàn; phối hợp cùng y tế địa phương tổ chức các hoạt động phòng chống dịch. 

Về vấn đề này, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Tây Hồ cho biết, các trường phải nêu cao tinh thần chủ động, thường xuyên quan tâm tới công tác đảm bảo vệ sinh, không để phát sinh các ổ bọ gậy, loăng quăng trong trường học khi thời tiết mưa nắng thất thường. 

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên, Đống Đa cho biết, nhà trường đã chủ động phun thuốc muỗi liên tục. Tuy nhiên, xác định phương pháp phòng chống sốt xuất huyết cần tiến hành lâu dài nên biện pháp chủ yếu vẫn là đảm bảo vệ sinh sạch sẽ trường lớp, chú ý giữ khô các chậu cây cảnh, cây bóng mát, không để đọng nước, không tập trung rác thải trong trường… Bên cạnh đó, ý thức của phụ huynh, học sinh cũng đã được nâng cao qua đợt dịch vừa qua nên việc phối hợp phòng chống giữa nhà trường và gia đình có nhiều thuận lợi.

Tiếp tục đổi mới ở tất cả các bậc học

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, năm học này, ngành tập trung vào các nhiệm vụ chính với từng cấp học. Theo đó, giáo dục mầm non tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Giáo dục phổ thông tập trung đổi mới phương thức dạy học; chú trọng việc học đi đôi với hành, giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và cộng đồng; khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định.

Giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh tự chủ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội để sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội. Giáo dục thường xuyên thực hiện đa dạng hóa nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập.