Kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc (17/2/1979 - 17/2/2019)

Hồi ức phóng viên An ninh Thủ đô lên biên giới

ANTD.VN - Đã bốn thập kỷ trôi qua kể từ mùa xuân Kỷ Mùi 1979, Trung Quốc dùng chiến thuật quân sự “biển người” đem 60 vạn binh lính tràn qua biên giới Việt Nam, xâm phạm độc lập chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng của chúng ta. Mùa xuân năm ấy, vấp phải sự chống cự quyết liệt và anh dũng của quân và dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc, sau khi gây ra những tội ác dã man, quân bành trướng đã phải rút quân về nước.

Hồi ức phóng viên An ninh Thủ đô lên biên giới ảnh 1Phóng viên lên biên giới (Ảnh tư liệu TTXVN)

Cho đến  năm 1984, ở một số tỉnh biên giới phía Bắc, tình hình biên giới vẫn căng thẳng khi phía bên kia lại nhòm ngó, rình rập, pháo tầm xa được kéo lên các điểm cao, thỉnh thoảng nã một loạt vu vơ sang đất ta. Lạng Sơn là tỉnh có biên giới khá dài với Trung Quốc là một trong những điểm chiến sự ấy.

Đầu xuân 1985, nhận nhiệm vụ Ban Biên tập Báo An ninh Thủ đô giao cho viết về những chiến sĩ Công an Hà Nội lên chi viện cho Lạng Sơn, tôi và phóng viên Nguyễn Hòa Bình (sau này công tác tại Báo Hà Nội mới) hăm hở chuẩn bị lên đường. Biết tin, anh Huyền Sơn - Trưởng ban Nội chính Đài Phát thanh Hà Nội cử phóng viên Đặng Tuấn (bây giờ là Phó Tổng Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội) đi cùng.

Lỉnh kỉnh với chiếc máy ghi âm to tướng, anh Đặng Tuấn nhỏ nhẹ: “Chú Huyền Sơn yêu cầu ghi được tiếng đại bác giặc, chắc mình phải bò lên nơi nào chiến sự ác liệt nhất”. Tôi bảo: “Đến nơi hẵng tính, miễn là diễn tả được không khí của cuộc chiến đấu giữ gìn biên cương nơi Tổ quốc”.

Chúng tôi đi xe khách lên Lạng Sơn, chuyến xe không nhiều người, chắc hẳn chỉ những người có việc cần kíp mới lên đây vào những ngày này. Trên xe chúng tôi gặp, phóng viên Báo Quân đội nhân dân cũng lên Lạng Sơn tác nghiệp.

Những chiếc xe chở người già, trẻ con đi sơ tán khỏi vùng chuẩn bị chiến sự, những hầm trú ẩn dưới tán đào xứ Lạng, những chiếc xe nhà binh phủ bạt xuyên đêm đến những điểm cao, nói lên điều ấy.

Được anh Bùi Sinh Quyền - một cán bộ Công an Hà Nội trong tổ công tác chi viện (lúc này về Phòng Công tác chính trị Công an Lạng Sơn) hướng dẫn, chúng tôi hình dung những gì mình phải làm. Anh Quyền bảo: “Có khoảng gần 20 người nhận nhiệm vụ nơi đây, nhưng anh em ở tản mát hầu khắp các huyện, đi đến đấy khá xa, tốt nhất là sang Cao Lộc, ở đấy có một cán bộ Công an Hà Nội về công tác, làm việc tích cực lắm”.

Hồi ức phóng viên An ninh Thủ đô lên biên giới ảnh 2Các chiến sĩ trên mặt trận Hà Tuyên

Đi nhờ xe sang Công an huyện Cao Lộc, chúng tôi được đón tiếp niềm nở, chân tình. Thiếu tá Triệu Toàn Thịnh, Trưởng Công an huyện, một người hào sảng, thích nói chuyện cho biết người chúng tôi cần tìm đang đi công tác phong trào ở một xã khá xa. “Các ông cứ ở lại đây, tôi có nhiệm vụ đưa các ông đến một số đồn biên phòng nơi giáp biên giới. Nằm đây nghe tôi kể chuyện rồi về cũng viết được vài bài rồi”. 

Đêm Cao Lộc, rét cắt da cắt thịt, ngồi bên bếp lửa bập bùng, nghe anh Triệu Toàn Thịnh kể về những vất vả, hy sinh của anh em, về phong tục tập quán của bà con các dân tộc nơi đây, tôi hiểu, phải yêu thương, phải gắn bó máu thịt lắm, những chiến sĩ Công an mới hiểu dân, gần dân như thế.

Đêm sắp tàn, phóng viên Nguyễn Hòa Bình rưng rưng: “Hà Nội lạnh 11 độ/ Mà mình hẹn gặp ở Lạng Sơn/ Cái rét dưới xuôi rét nầm da thịt/ Biết rằng nơi ấy rét hơn…”. 

Một ngày trên chiếc U-oát cà khổ, chốc lại dở chứng, chúng tôi đến với các Đồn biên phòng Lộc Bình, Cao Lâu, điểm cao X., nơi đâu cũng là không khí khẩn trương, cảnh giác cao độ trước những đợt tấn công của lính Trung Quốc. Phần lớn các chiến sĩ ngày xuống bản làm công tác vận động quần chúng, đêm tuần tra dọc đường biên khu vực phụ trách. Số ở đồn đều nghiêm túc ở những vị trí trực chiến. Gió bấc rần rạt quất cái lạnh vào da thịt, nhưng những chàng trai mới ngoài 20 đã dạn dày sương gió, không ai rời vị trí, không để bị động trước mọi tình huống.

Điểm dừng chân cuối trong ngày của chúng tôi là Đồn biên phòng Xuất Lễ. Khi chúng tôi đến, trời đã vào tối, mấy chiến sĩ biên phòng mời chúng tôi xuống một gian hầm trú ẩn. “Ở trên, thấy ánh lửa là phía Trung Quốc nã đạn ngay. Tối rồi, mời các anh ăn bữa cơm của lính, vừa ăn ta vừa nói chuyện” - Trưởng đồn biên phòng bảo.

Nhìn quanh căn hầm, thấy một chiến sĩ đang hì hụi lắp mất quả pin thành một ống dài, anh cho biết: “Ở đây thiếu thốn, muốn nghe đài phải tận dụng mấy quả pin này”. Ọ ẹ một lúc, chiếc đài cũng phát ra một giọng ca lúc gần lúc xa trong chập chờn ánh nến.

Tôi sẻ một nửa đĩa thịt trâu xào vào bát để phần mấy chiến sĩ đang trên đường tuần tra, Trưởng đồn mời: “Nào, uống chén rượu đầu xuân, chúng ta luôn mong xung đột không xảy ra, nếu xảy ra thì phải bảo vệ từng tấc đất biên cương đến hơi thở cuối cùng”. Bữa rượu, thịt trâu này của bà con trong bản gửi cho anh em hồi chiều. Ấm áp tình quân dân.

Hồi ức phóng viên An ninh Thủ đô lên biên giới ảnh 3Bài báo đăng trên An ninh Thủ đô 34 năm trước viết về những người chiến sĩ biên giới phía Bắc của Tổ quốc

Cái sự ấm áp ấy còn tiếp tục khi chúng tôi rời đồn, qua bản Thạch Khuyên. Đến giữa đèo Hải Yến, thì xe chết máy lái xe Triệu Phán lúc này cũng đã ngấm hơi men, bảo: “Xe không đi được nữa đâu, đêm nay ta ngủ lại trên xe thôi anh Thịnh à”. “Ngủ ở đây có mà làm bia hứng đạn à? Sửa xe rồi đi, nhanh”. “Ôi dào, bắn chưa chắc đã trúng, trúng chưa chắc đã chết” - lái xe Phán làu bàu. Phóng viên Hòa Bình ghé tai tôi: “Đúng ngày này 10 năm trước tháng 3-1975 tôi bị bom vùi ở Sân bay Hải Yến, Buôn Ma Thuột suýt chết. Nay cũng đèo Hải Yến, vợ tôi tên Hải Yến, chả nhẽ chết ở đây”. “Vớ vẩn - tôi nói, nếu chết ông đã chết từ ngày ấy, với lại ông là Hòa Bình, chết thế nào được”.

Về đến thị xã khoảng 3 giờ sáng, qua mộ anh Takano - một phóng viên chiến trường của Nhật Bản bị quân Trung Quốc sát hại khi tràn qua biên giới Việt Nam năm 1979, chúng tôi dừng lại thắp hương, nhớ câu thơ của một nhà thơ nổi tiếng viết về anh: “Bọn giặc nó bắn anh khi/ Anh cầm máy ảnh anh ghi nắng chiều”. Dòng máu người làm báo - chiến sĩ trong tôi rần rật.

Sau chuyến đi, tôi viết được bài “Nhật ký phóng viên” đăng 2 kỳ trên Báo An ninh Thủ đô và truyện dài “Gió rừng hồi”. Nhưng tôi biết dẫu viết bao nhiêu cũng chưa thể nói hết những hy sinh, gian khổ của các chiến sĩ, đồng bào vùng biên trong việc bảo vệ  từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

T.N

(Lạng Sơn, tháng 3-1985/Hà Nội, tháng 2-2019)