Hội thảo khoa học "Môn lịch sử trong giáo dục phổ thông": Kinh ngạc và lo lắng vì môn Lịch sử bị cắt xé

ANTĐ - 3 tháng kể từ khi Bộ GD-ĐT ra mắt dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”, những cuộc tranh luận xung quanh nội dung dự thảo này ngày càng trở nên gay gắt. Sáng qua, 15-11, lần đầu tiên kể từ khi cuộc tranh luận về dạy sử - học sử ồn ào trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã chính thức lên tiếng khi tổ chức hội thảo khoa học “Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông”.

Hội thảo khoa học "Môn lịch sử trong giáo dục phổ thông": Kinh ngạc và lo lắng vì môn Lịch sử bị cắt xé ảnh 1GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: “Dù Bộ GD-ĐT giải thích thế nào thì với chương trình mới trên thực tế đã khai tử, xóa bỏ môn Lịch sử”

Tích hợp đồng nghĩa với xóa bỏ

Vài năm trở lại đây, câu chuyện về những “lỗ hổng” trong dạy sử, học sử ở các cấp học phổ thông luôn là đề tài nóng trên mọi diễn đàn. Chuyện học sinh, sinh viên “mù sử” thực sự trở thành nỗi xót xa của cả xã hội. Trải qua nhiều lần cải cách giáo dục, Lịch sử cùng Văn, Toán, Tiếng Việt đều được coi là môn học cơ bản và bắt buộc trong hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam.

Nhưng đến lần đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục phổ thông hiện nay với dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”  và “Cơ sở xác định cấu trúc và nội dung môn học Công dân với Tổ quốc” trong chương trình phổ thông mới thì môn Lịch sử đã được tích hợp vào các môn học khác. Theo đó, lịch sử sẽ được tích hợp vào Cuộc sống quanh ta lớp 1, 2, 3; môn Tìm hiểu xã hội ở lớp 4, 5- cấp tiểu học. Cấp THCS tích hợp vào môn Khoa học xã hội còn cấp THPT thì môn Sử nằm trong môn Công dân và Tổ quốc. 

Về vấn đề này, GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định, ở cấp tiểu học, việc tích hợp là hoàn toàn đúng về phương diện khoa học và tâm lý học sinh, nhưng đến cấp THCS và THPT mà môn Lịch sử vẫn bị cắt xé, tích hợp với môn khác là không có cơ sở khoa học và trên thực tế là xóa bỏ môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông. GS Phan Huy Lê khẳng định: “Dù Bộ GD-ĐT giải thích thế nào thì với chương trình mới trên thực tế đã khai tử, xóa bỏ môn Lịch sử”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử cho biết thêm, dư luận xã hội hết sức kinh ngạc và lo lắng trước chủ trương này của Bộ    GD-ĐT. Mọi lo lắng đều hoàn toàn chính đáng vì lớp trẻ sau này chỉ biết lờ mờ, thậm chí hiểu biết sai về lịch sử dân tộc, không biết những thành tựu dựng nước và giữ nước hết sức gian truân và hào hùng của ông cha, không kế thừa những truyền thống dân tộc, thì làm sao có thể viết tiếp những trang sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Trong thời gian vừa qua, lúc môn Lịch sử là môn thi luân phiên, lúc lại là môn thay thế, kỳ thi gần đây là môn tự chọn… đã cho thấy môn Lịch sử gần như bị bỏ rơi. GS, NGND Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội) kết luận: “Môn Lịch sử đã bị đẩy lùi từng bước, loại bỏ từng bộ phận và cuối cùng không còn vị thế của một môn học riêng biệt ngang bằng như các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT từng khẳng định không bỏ môn Lịch sử, không coi nhẹ môn Lịch sử… nhưng thực tế hoàn toàn khác. Đãng lẽ “học gì thi nấy” thì với chủ trương của Bộ, các trường và cả xã hội vận dụng thành “thi gì học nấy”. 


Môn Sử chưa được đối xử công bằng

Không đồng tình với quan điểm của Bộ GD-ĐT về việc tích hợp môn Lịch sử, GS.TS Trần Thị Vinh ( Khoa Sử, Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng cho rằng, môn Sử đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”. Số phận của môn Sử trong trường phổ thông đang bị thách thức và đây là điều chưa từng có trong lịch sử giáo dục Việt Nam.  Đưa ra những phân tích về mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy, GS Trần Thị Vinh cho biết 3 môn học định tích hợp là Giáo dục đạo đức, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng… hoàn toàn khác biệt. Nếu cố lắp ghép vào thì chỉ là những “mảnh vỡ của lịch sử”. GS Trần Thị Vinh cũng đặt câu hỏi: Ai là người dạy môn học Công dân với Tổ quốc trong khi hệ thống các trường đại học trong và ngoài nước đều không đào tạo giáo viên dạy môn lắp ghép kiến thức tổng hợp?

Cùng quan điểm của GS.TS Trần Thị Vinh, gần như 100% các ý kiến của các nhà nghiên cứu sử học, giáo viên… có mặt tại cuộc hội thảo đều khẳng định, cần phải đưa môn Sử trở thành môn học độc lập và bắt buộc. Trao đổi với PV ANTĐ bên lề cuộc hội thảo, ông Trần Trung Hiếu - giáo viên dạy Lịch sử, trường chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An bức xúc: “Tôi là giáo viên dạy Sử và tôi không đồng tình với đề xuất tích hợp môn Sử. Vì là người trong cuộc nên tôi hiểu, chỉ có những người soạn thảo mới cố tình không hiểu, họ có dạy đâu mà biết. Trong xu thế đổi mới đồng bộ và toàn diện giáo dục hiện nay, dạy một môn cho tốt là một việc khó, huống hồ giáo viên dạy làm sao được 3 môn cùng một lúc”.

Ông Trần Trung Hiếu cũng cho biết, hiện tại có nhiều giáo viên đang đề nghị lập “Hội tẩy chay hình thức dạy tích hợp môn Lịch sử” trên mạng xã hội Facebook để phản đối đến cùng, bởi chính giáo viên sẽ là người hứng chịu mọi tác động nếu như dự thảo này thành hiện thực. Phát biểu trong cuộc hội thảo, một giáo viên đến từ Vĩnh Phúc kể: “20 năm làm nghề nhưng tôi thấy học sinh không hề quay lưng với Lịch sử. Nhiều em không lựa chọn học Lịch sử, không muốn học Lịch sử vì khối C có quá ít trường để các em lựa chọn. Thêm nữa, bản thân môn Lịch sử đã là một môn khoa học tích hợp cao.

Trong Lịch sử có Văn học, Địa lý, Vật lý… vì thế nó không thể bị tích hợp vào bất cứ môn học nào. Tuy nhiên, môn học này chưa được đối xử công bằng với nhiều môn học khác như Hóa, Sinh… khi các môn này có kinh phí để thí nghiệm, thực hành, trong khi đó lại không có khoản chi phí dành cho môn Sử đi thực tế để môn này trở nên gần gũi hấp dẫn hơn. Tôi có một câu hỏi mà câu trả lời ở trong chính các vị: Các vị sẽ cho các em chọn gì giữa cơm và bim bim, giữa trò chơi điện tử với học bài?”.

Thông điệp của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Sẽ đưa vấn đề lên cấp cao hơn

 Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu tham luận từ Bộ GD-ĐT, cùng các nhà nghiên cứu và đại biểu tham dự, BTC cuộc hội thảo “Môn lịch sử trong giáo dục phổ thông” đã có bài tổng kết khá chi tiết, trong đó tiếp tục khẳng định việc không đồng tình với tích hợp môn học Lịch sử.

Đề nghị Bộ GD-ĐT cần lắng nghe ý kiến các nhà khoa học và dư luận xã hội để tổ chức nghiên cứu lại một cách nghiêm túc hơn. Trong thời gian tới, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ kiến nghị lên lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc…cần bảo vệ môn Sử như môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp cơ sở đến cấp phổ thông, gắn liền với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống môn học.        
                                   
V.Q

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: “Không có chuyện  khai tử môn Lịch sử”

Sau nhiều ý kiến tham góp của các nhà nghiên cứu, giáo viên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, nhiều đại biểu chưa đọc kỹ tài liệu nên nói oan cho Bộ, bởi lẽ không có chuyện khai tử môn Lịch sử. Nhiều đại biểu nói là chưa có tiền lệ tích hợp, nhưng nếu đổi mới mà có tiền lệ thì còn gọi gì là đổi mới. Tiếp đó Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đề nghị các nhà khoa học “Cùng suy nghĩ lại và Bộ rất chú ý lắng nghe, tiếp thu có chọn lọc”.

Quỳnh Vân (ghi)

Lịch sử tự thân có chỗ đứng 

Nhiều nhà khoa học cho rằng Lịch sử phải là môn học bắt buộc, bởi bộ môn này lâu nay đã không được đối xử xứng tầm từ phía học sinh và xã hội. Có giáo viên còn hài hước, nếu để môn Lịch sử là môn tự chọn thì chẳng khác nào hỏi học sinh thích chơi điện tử hay học bài. Dù biết yêu cầu đổi mới giáo dục là bắt buộc và không thể bàn lùi, nhưng đa số ý kiến trong cuộc hội thảo khẳng định sẽ không nhượng bộ với cách làm của Bộ GD-ĐT và sẽ kiên quyết bảo vệ bộ môn độc lập này đúng với vị trí quan trọng của Lịch sử.

Trong khi đó, ý kiến từ phía Bộ GD-ĐT và những người tham gia thiết kế chương trình giáo dục phổ thông mới cũng chắc chắn không kém với lập luận, môn Lịch sử không nhất thiết phải độc lập mới giáo dục được. Tích hợp không có nghĩa là làm mất đi môn học mà tạo ra logic mới, chỉnh thể mới, giá trị mới. Tự chọn không có nghĩa là vứt bỏ, coi nhẹ môn học này. Các nhà đổi mới giáo dục cho rằng nhiều người chưa hiểu hoặc hiểu lầm ý nghĩa, bản chất của việc đổi mới lần này.

Giữ vững vị thế môn Lịch sử là đúng, nhưng đổi mới môn học này cũng không sai. Nhưng nếu không có sự hài hòa giữa yêu cầu đổi mới, sáng tạo với giá trị bền vững thì bản thân môn Lịch sử cũng như tất cả các lĩnh vực khoa học, xã hội khác cũng sẽ không có sức sống trong nền giáo dục đương đại mà thế hệ trẻ đang thụ hưởng.

Giá trị Lịch sử là điều không cần bàn cãi nhưng vì sao nhiều học sinh không thấy hay, không thấm được giá trị của môn học này để trở thành tri thức tự thân phải có chứ không phải vì có thi nên mới học. Vai trò, giá trị Lịch sử không thể đong đếm bằng số tiết học trong nhà trường, số trang trong sách giáo khoa, bởi nếu việc học và dạy cũng chỉ là để đối phó với kiểm tra, với thi cử thì cũng chỉ là cách “ép duyên” nhau.

Để môn Lịch sử tự thân có chỗ đứng trong nhà trường, trong ý thức của mỗi học trò, xứng đáng với vị thế của mình chắc chắn cần phải có sự bắt tay giữa các nhà khoa học, nhà giáo dục. Tranh luận là cần thiết nhưng lời giải cuối cùng phải vì những điều tốt nhất, vì thế hệ trẻ, chứ không phải vì sự thắng thua, sự xuống nước hay cho qua vì bất cứ lý do nào, từ bất cứ phía nào.

Đưa ra cách làm thế nào để phát huy vai trò của lịch sử trong đời sống hiện tại không hề dễ dàng và cần suy xét từ nhiều góc độ, học hỏi từ các nước bạn. Lúc này cần có nhiều căn cứ thuyết phục hơn nữa từ các nhà giáo dục cũng như các nhà khoa học về cách nghĩ, cách làm trong đổi mới giáo dục nói chung và bộ môn Lịch sử nói riêng. 

Vinh Hương