Hội thảo báo chí về đề tài chiến tranh

ANTĐ - Sáng 24-4, Hội thảo Khoa học quốc tế “Báo chí về đề tài chiến tranh: Lý luận và thực tiễn” được tổ chức tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu báo chí cũng như các phóng viên chiến tranh trong và ngoài nước. 

Hội thảo “Báo chí về đề tài chiến tranh: Lý luận và thực tiễn” được tổ chức vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam – Thống nhất đất nước, 65 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam và 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Hội thảo do Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức, thu hút 40 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu báo chí, các nhà báo, phóng viên chiến trường đến từ các cơ quan, các trường đại học ở Việt Nam và quốc tế. 

Nội dung hội thảo tập trung khẳng định vị trí, vai trò của báo chí trong chiến tranh, kinh nghiệm của báo chí thế giới viết về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kinh nghiệm tổ chức một cơ quan báo chí và tổ chức thông tin đến bạn đọc trong điều kiện có chiến tranh cũng như đạo đức nghề nghiệp của nhà báo phản ánh về đề tài chiến tranh.

PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: “Chiến tranh là một trong những mối quan tâm lớn nhất của loài người. Để đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, những người làm báo luôn có mặt tại những điểm nóng nhất thế giới. Những thông tin nóng hổi về cuộc chiến của các nhà báo có vai trò rất quan trọng trong việc dẫn đường dư luận, giúp dư luận có cái nhìn đúng đắn về bản chất của cuộc chiến đó. Tham gia vào những cuộc chiến tranh ấy như những thành tố lịch sử, báo chí và nhà báo của chúng ta luôn có mặt, tham gia như những người trong cuộc, là nhân chứng lịch sử đồng thời cũng là người tái hiện lịch sử của những cuộc chiến tranh”.