Hỏi dân thì biết
Cách đây 5 năm, Hà Nội đã “khởi công” Đề án nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở. Có thể coi đây là một “công trình” chuẩn bị khá kỹ lượng, đầu tư công sức và trí tuệ. Bởi đây là một “công trình” hạ tầng hết sức quan trọng, làm nền móng vững chắc để xây dựng hệ thống chính trị. Móng càng sâu, càng kiên cố thì tòa nhà càng cao, càng đứng vững trước mọi thử thách. Hệ thống chính trị ở cơ sở chính là gốc rễ của thể chế, của Đảng, Chính quyền.
Vậy sau 5 năm, Hà Nội đã làm được những gì? Chất lượng hệ thống cơ sở được đổi mới, nâng cao đến tầm nào? Chỗ nào, khâu nào còn yếu kém? Đất đai, đô thị, trật tự xây dựng còn tồn tại những điểm nóng gì? Thử phỏng vấn bất kỳ một người dân hay một doanh nghiệp xem cảm tưởng, ấn tượng về cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền đã có gì chuyển biến sau 5 năm? Hay trong mắt người dân vẫn ám ảnh những khuôn mặt vô cảm, thiếu trách nhiệm, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu.
Không thể vơ đũa cả nắm”, song chỉ gặp một lần một vài “công bộc” như thế cũng đủ ngán ngẩm. Cho dù Đề án đã được triển khai thực hiện với tinh thần quyết liệt từ trên xuống dưới, từ thành phố tới quận, huyện, xã phường. Nhưng phải thừa nhận rằng sức ỳ, độ lỳ của cán bộ, nhất là cấp xã, phường quả thật là kinh khủng.
Bí thư Thành ủy nghiêm khắc chỉ rõ phải xem xét trách nhiệm của cán bộ, công chức. Có những việc không đến mức không thể giải quyết cho dân thì cán bộ lại cứng đơ máy móc. Ngược lại, có những việc luật pháp không cho phép thì lại “linh hoạt” vận dụng. Hàng loạt những tòa nhà không phép, sai phép ở các phường, quận Hà Nội chính là cắm sâu móng ở những chỗ “đất” yếu nhất của hệ thống chính trị cơ sở.
Thật ngạc nhiên đến mức nghi ngờ trước những con số vừa được công bố về thành tích giải quyết thủ tục hành chính ở Hà Nội: tỷ lệ giải quyết và trả đúng hẹn hồ sơ của các tổ chức, công dân tạo 13/26 sở, ngành thành phố là 99,42%. Tỷ lệ này ở cấp quận, huyện cũng tới 97,64%. Riêng ở cấp phường, xã, thị trấn đạt tới 99%. Nếu thực tế đúng như thế thì thật là “lý tưởng” hết chỗ nói; chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở đã đạt tới mức tuyệt vời.
Hà Nội có thể hoan hỉ ăn mừng, cải cách hành chính không còn việc gì phải làm nữa. Bản thân Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban chỉ đạo cải cách hành chính cũng đặt câu hỏi phải xét lại “thành tích” này vì nó phản ánh chưa đúng thực tế. Nhân dân còn kêu ca, doanh nghiệp vẫn tiếp tục phàn nàn.
Không chỉ một lần Bí thư Thành ủy đã yêu cầu các cấp, ngành phải kiểm tra, đi sâu sát cơ sở, chứ không chỉ ngồi nghe báo cáo. Bệnh “thành tích” đâu chỉ là bệnh của riêng ngành giáo dục. Muốn biết bọ máy chính quyền cơ sở có trong sạch, cán bộ công chức có trách nhiệm với dân hay không, chỉ cần hỏi dân là rõ ràng.
Đan Thanh