Học thật, thi thật

(ANTĐ) - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ đã nhận thấy sự bất thường trong quy mô đào tạo đại học tại chức, do vậy ngoài việc giảm chỉ tiêu với hệ đào tạo này, Bộ sẽ xem xét hàng loạt các biện pháp như liên thông chính quy, tại chức để nâng cao chất lượng cử nhân tại chức.

Siết chặt đào tạo đại học tại chức:

Học thật, thi thật

(ANTĐ) - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ đã nhận thấy sự bất thường trong quy mô đào tạo đại học tại chức, do vậy ngoài việc giảm chỉ tiêu với hệ đào tạo này, Bộ sẽ xem xét hàng loạt các biện pháp như liên thông chính quy, tại chức để nâng cao chất lượng cử nhân tại chức.

Định dạng lại đào tạo tại chức

Phân tích về vai trò của hệ đào tạo tại chức, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hệ đào tạo này đang đáp ứng đúng nhu cầu học suốt đời của người dân, vì với sự phát triển nhanh chóng các ngành nghề khoa học, công nghệ như hiện nay thì một người không thể chỉ học một nghề rồi sử dụng suốt đời được. Việc tiếp thu thêm kiến thức công việc khác hay một vị trí khác trong chuyên môn để thích nghi với môi trường mới sẽ được đáp ứng với hình thức đào tạo vừa học vừa làm.

Nhiều trường xin tăng chỉ tiêu tại chức với số lượng lớn nhưng lại không đầu tư mới về cơ sở vật chất
Nhiều trường xin tăng chỉ tiêu tại chức với số lượng lớn nhưng lại không đầu tư mới về cơ sở vật chất

Tuy nhiên, theo GS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, hệ đào tạo này đang bị biến tướng khi rất nhiều người theo học hệ này chỉ vì nguyên nhân chính thức hóa bằng cấp để thăng tiến trong công việc thay vì cập nhật kiến thức. Mục đích của người học bị biến tướng cộng thêm với sự dễ dãi, buông lỏng quản lý trong đào tạo của các cơ sở đã khiến chất lượng của hệ vừa học vừa làm xuống dốc đến mức lãnh đạo Đà Nẵng đã phải tuyên bố không tuyển dụng người tốt nghiệp tại chức.

Theo GS. Phạm Minh Hạc, Bộ GD-ĐT phải nghiêm khắc xem xét lại việc giao chỉ tiêu đào tạo, không nên chạy theo số lượng đào tạo không chính quy để đạt được mục tiêu về số sinh viên/vạn dân khi các trường đại học chưa thể đủ lực mở rộng đào tạo chính quy. Việc giao chỉ tiêu đào tạo phải được cân nhắc kỹ trên cơ sở thực lực của các cơ sở, không phải cơ sở nào cũng có thể đào tạo tại chức.

Mặt khác, Bộ GD-ĐT phải nghiêm túc xử lý sai phạm của các cơ sở trong đào tạo hệ tại chức, nếu phân trách nhiệm rõ ràng, hiệu trưởng phải có các biện pháp để kiểm soát việc giảng dạy của giảng viên, việc tổ chức dạy học... Để tránh tình trạng học giả lấy bằng thật, GS. Phạm Minh Hạc cho rằng, Bộ GD-ĐT nên đề nghị các cơ sở đào tạo tách hẳn khâu kiểm tra, đánh giá, độc lập với hoạt động giảng dạy để học viên phải học thật, thi thật theo năng lực của mình, góp phần khôi phục lại chất lượng thực của hệ đào tạo này.

Thắt chặt chỉ tiêu

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, vừa làm vừa học là một phương thức đào tạo giúp người dân có thể học tập suốt đời do vậy, vấn đề là tìm ra giải pháp để đảm bảo chất lượng của hệ tại chức ngang bằng với hệ chính quy. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng cho biết, cùng với việc nhận thấy sự bất thường về quy mô của hệ đào tạo này, năm 2010, Bộ GD-ĐT đã giảm chỉ tiêu hệ đào tạo không chính quy xuống còn khoảng 70% so với hệ chính quy. Con số này sẽ được tiếp tục thắt chặt thêm nữa vào năm 2011, theo hướng xem xét chỉ tiêu tuyển mới hệ vừa học vừa làm dựa trên năng lực tổng thể của trường để có quy định chung, nguyên tắc chung để phân bổ chỉ tiêu.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, có khả năng chỉ tiêu đào tạo sẽ giao theo ngành, không cho các trường đào tạo quá rộng một ngành nào đó trong khi những ngành cần lại không có thí sinh. Điều này góp phần giải quyết tình trạng một số ngành có nhu cầu xã hội cao như ngành kỹ thuật nhưng không có người học, trong khi đó, khối quản lý, kinh tế lại quá đông người học dẫn đến quá tải, chất lượng không đảm bảo.

Về giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng đào tạo hệ tại chức, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng việc triển khai đào tạo tín chỉ rộng rãi trong các trường ĐH sẽ tạo điều kiện cho sinh viên hệ tại chức có thể học với hệ chính quy nếu điều kiện thời gian của người học tại chức cho phép. Người học sẽ cùng tham gia một kỳ thi cuối khóa để nâng cao chất lượng đào tạo.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích các trường theo hướng liên thông đào tạo tại chức với chính quy để nâng cao chất lượng, để chính quy và tại chức có thể học chung. Tuy nhiên, khó có thể bắt buộc tất cả các lớp tại chức cùng theo hình thức này do hình thức học của hệ tại chức phải phù hợp với thực tế học viên là người vừa học vừa làm.

Duy Anh