PGS.TS Lâm Mỹ Dung - Giám đốc Bảo tàng Nhân học - trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn

Học sử là để hiểu biết và để làm người

ANTĐ - Tôi cho rằng Lịch sử nên là môn học bắt buộc với điều kiện phải thay đổi cả về nội dung và cách thức dạy. Và để trẻ yêu thích học sử, quan tâm đến quá khứ dân tộc và nhân loại, cả xã hội đều phải có trách nhiệm, không chỉ riêng ngành nghề hay người nào!

Học sử là để hiểu biết và để làm người ảnh 1
- PV: Thưa PGS.TS Lâm Mỹ Dung, là người có nhiều năm gắn bó với công tác giảng dạy Lịch sử - Khảo cổ học, theo PGS  nguyên nhân vì đâu học sinh chán và sợ học môn Lịch sử? Có phải do môn học này quá khô khan, sách giáo khoa quá hàn lâm, thiếu gần gũi?

- PGS.TS Lâm Mỹ Dung: Tôi không biết chúng ta đã có cuộc khảo sát nghiêm túc nào trong học sinh (từng vùng miền, từng cấp học) để biết thái độ của các em với môn Lịch sử chưa. Và nếu tỉ lệ áp đảo là chán hay sợ thì do đâu? Do nội dung học nặng nề, khô cứng, do giáo viên không có cách truyền dạy thích hợp hay do cách đánh giá thi cử?... 

Bản thân tôi cũng như nhiều người khác thì cho rằng, việc chán học môn Lịch sử trong trường không đồng nghĩa với việc chán, thờ ơ với lịch sử dân tộc, lịch sử nhân loại. Tôi đã đọc một số sách giáo khoa môn Lịch sử phổ thông và thấy những người viết đã cố gắng cung cấp càng nhiều càng tốt những kết quả nghiên cứu lịch sử đạt được cho đến nay. Nhưng rõ ràng là quá tải và không hấp dẫn, lịch sử được trình bày dưới dạng con chữ, con số, biểu đồ, bản đồ... đôi khi quá tỉ mỉ, ngôn từ có lúc quá hàn lâm làm khó người dạy, người học.

-  PGS có cho rằng việc môn Sử bị “quay lưng” còn do tâm lý thực dụng của đời sống, phải tính toán làm sao học khối gì, thi ngành nào để ra trường có việc làm?

- Có vẻ như không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác, giới trẻ khi lựa chọn nghề cũng thường theo xu hướng thời thượng. Những nghề học ít lý thuyết, ứng dụng, dễ tìm việc... thường được nhiều người chọn, ở Việt Nam, chọn học ngành nào còn phụ thuộc vào ý muốn của họ hàng, bố mẹ... Trong giai đoạn hiện nay, không chỉ môn học Lịch sử bị “quay lưng” mà cả những môn học xã hội khác cũng rơi vào tình trạng tương tự và nếu có học, chẳng qua không biết học gì khác!

- Trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa qua có hội đồng thi chỉ có 1 thí sinh dự thi… môn Sử, PGS  có thấy tủi thân cho nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi không?

- Thực ra thí sinh không chọn thi môn Sử lý do chính là do kiểu thi, cách đánh giá và khó được điểm cao. Không chọn thi không có nghĩa là các bạn trẻ không thích lịch sử, nhiều sinh viên tôi dạy các em không theo khoa Lịch sử nhưng rất thích tìm hiểu lịch sử, thường đưa ra những câu hỏi liên quan đến tìm hiểu quá khứ ông cha, đặc biệt họ rất thích thú với những bài giảng nói về những thành tựu của người xưa, cách họ sống, cách họ tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội… 

- Theo PGS, có nên đưa Sử vào môn học bắt buộc hay không?

- Tôi đã xem qua chương trình của Bộ GD-ĐT, tôi thấy không rõ ràng về lộ trình, lẫn lộn về nội dung và mù mờ trong triển khai, tích hợp hay tự chọn, nếu không phân tích dựa trên cơ sở khoa học và ý kiến của cộng đồng (nhiều loại)... thì sẽ không thể có bất cứ một cải cách nào cho ra cải cách. Ý tưởng về dạy tích hợp ở cấp thấp, dạy sâu hơn ở cấp cao (tự chọn) nghe thì rất hợp lý, nhưng không thực hiện được một cách đến đầu đến đũa và ra được kết quả như mong muốn. Để có được giáo viên dạy tích hợp môn xã hội phải cấu trúc lại sách cùng chương trình dạy.

Nhưng với chương trình học và dạy của các trường sư phạm bây giờ, giáo viên khó mà dạy tích hợp môn xã hội. Còn ở cấp cao để Lịch sử là môn tự chọn thì như tình hình hiện tại cũng sẽ ít học sinh chọn môn này. Và kết quả là môn Lịch sử - với tư cách là một môn học cung cấp những hiểu biết cần thiết về quá khứ dân tộc, quá khứ nhân loại sẽ dần bị loại trừ ra khỏi học đường. 

Tôi cho rằng Lịch sử nên là môn học bắt buộc với điều kiện phải thay đổi cả về nội dung và cách thức dạy. Và để trẻ yêu thích học sử, quan tâm đến quá khứ dân tộc và nhân loại, cả xã hội đều phải có trách nhiệm, không chỉ riêng ngành nghề hay người nào!