Học sinh nghỉ hè - đề phòng tai nạn

ANTĐ - Mới chớm hè, tin tức trẻ em chết vì bị đuối nước đã xuất hiện dày đặc trên các mặt báo. Theo một thống kê, mỗi ngày nước ta có 10 trẻ bị chết vì đuối nước, cao nhất khu vực và gấp 10 lần các nước phát triển. Bên cạnh đó là tình trạng bỏng trẻ em khi hè về cũng được dự báo sẽ cao hơn 20-30% so với ngày thường. Đây thực sự là nỗi đau lớn và đòi hỏi trách nhiệm cao hơn nữa của các bậc làm cha làm mẹ trong việc trông nom, bảo vệ con cái.

Những cái chết thương tâm

Mới đây, ngày 1-5, Công an huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết đã khám nghiệm hiện trường nơi 3 cháu nhỏ đi tắm bị chết đuối, đồng thời làm các thủ tục để gia đình nạn nhân đưa các cháu về an táng. Theo đó, sự việc xảy ra khoảng 15h15 ngày 30-4, có 4 cháu rủ nhau đi chơi, gồm: Nguyễn Văn Lợi (11 tuổi con anh Nguyễn Văn Toàn), con anh Nguyễn Văn Thêm, Nguyễn Văn Giang (11 tuổi), đều ở Nội Đồng, xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh, Hà Nội) và Lã Văn Thiện (11 tuổi) ở Liễu Trì, xã Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội) rủ nhau đi chơi, thấy hồ nước công trình thuộc dự án của Công ty HUD tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, cả 4 cháu xuống tắm. Tuy nhiên, đến 18h cùng ngày, cháu Nguyễn Văn Lợi con anh Thêm chạy về báo tin 3 cháu còn lại bị chết đuối. Nhận được tin báo mọi người chạy ra hiện trường để cứu các cháu, nhưng không kịp. 

Trước đó, ngày 17-3, tại khu vực đội 7, thôn 10, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội cũng xảy ra vụ đuối nước khiến hai cháu Lê Quân Anh và Đỗ Công Vinh, đều 6 tuổi, học trường Mầm non Thạch Hòa tử vong. Nơi phát hiện thi thể 2 cháu bé là rãnh thoát nước sâu khoảng 1,6m, nằm gần khu điều hành của trường ĐHQG, khởi công từ năm 2011 nay đã dừng thi công và bỏ hoang. Công trình thi công không có rào chắn, không có biển cấm, biển cảnh báo khu vực nguy hiểm. 

Mới đây, ngày 22-4, cháu Nguyễn Nam Hải, SN 1999, trú ở tổ 3, phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội cùng một số bạn đi tắm tại sông Đuống, khu vực tổ 2, phường Giang Biên. Đến 16h10 cùng ngày, gia đình đã phát hiện và vớt được xác cháu Hải tại khúc sông trên. Khám nghiệm sơ bộ hiện trường, tử thi, CA xác định cháu Hải chết do bị ngạt nước. 

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế, tỷ suất tử vong do đuối nước ở nước ta là  8/100.000 người/năm. Trẻ em là nhóm có nguy cơ cao tử vong do đuối nước, cao nhất là nhóm trẻ từ 0 đến 4 tuổi với trung bình 22 ca/100.000 trẻ/năm, trong đó, nguy cơ ở trẻ trai cao gấp 1,4 lần trẻ gái. Đáng chú ý là tỷ lệ trẻ em đuối nước ở Việt Nam cao gấp 10 lần các nước phát triển. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ tử vong do đuối nước, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do sự lơ là, chủ quan của nhiều bậc phụ huynh để con trẻ chơi mà không giám sát hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc. Đặc biệt là trong dịp nghỉ hè, các cháu được nghỉ học nhưng không có người trông coi nên thường rủ nhau chơi đùa ở ao hồ gần nhà. Trong khi đó, rất nhiều cháu không biết bơi và chưa được trang bị kiến thức về mức độ an toàn khi chơi đùa cạnh sông nước cũng như không biết cách ứng phó khi tai nạn xảy ra. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tú, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi trung ương, phần lớn trẻ bị đuối nước khi nhập viện đều chưa được sơ cứu hay sơ cứu đúng cách, dẫn đến tử vong hoặc bị di chứng não do thiếu ô xy. 

Không chỉ ở những khu vực có sông ngòi, ao hồ, nguy cơ trẻ bị đuối nước có thể ở khắp mọi nơi, chậu nước, chum, vại trong gia đình, nhà trẻ…cũng có thể khiến trẻ bị đuối nước. Bên cạnh đó, trong thời gian qua đã có nhiều vụ chết đuối thương tâm, cùng một lúc đã cướp đi sinh mạng của nhiều học sinh đó là các vụ chết đuối xảy ra tại các công trường xây dựng sau khi thi công không san lấp, không có biển cảnh báo.  Thực tế, có những vụ chết đuối đã xảy ra tranh cãi giữa các công trình thi công và gia đình các cháu về nguyên nhân dẫn đến cái chết cũng như trách nhiệm của phía các công ty xây dựng. Sau các vụ tai nạn mới thấy rất nhiều công trình xây dựng không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm vì thế cần có những quy định trách nhiệm cụ thể đối với các đơn vị thi công công trình khi để xảy ra tai nạn.

Hè về, trẻ bị bỏng cũng gia tăng

Không chỉ đuối nước mà bỏng cũng là một trong những tai nạn trẻ em có chiều hướng gia tăng trong những ngày hè. Theo số liệu của Viện Bỏng quốc gia, số trẻ 5-15 tuổi bị bỏng thường tăng cao vào mỗi dịp hè. Hiện tại khoa Bỏng trẻ em, Viện Bỏng quốc gia có 50 trẻ đang nhập viện. Đáng chú ý có trường hợp bỏng nặng đến 80%, bỏng sâu 60%, phải trải qua 11 lần phẫu thuật. Sắp tới, khi trẻ được nghỉ học, số ca trẻ bị bỏng có thể gia tăng từ 20-30%. Theo TS Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ nhiệm khoa Bỏng trẻ em, Viện Bỏng quốc gia: Năm nào cũng vậy, cứ vào kỳ nghỉ hè, số lượng bệnh nhi bỏng lại gia tăng. Nguyên nhân là do các cháu không phải đến trường trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm, không có sự quản lý của gia đình khiến trẻ dễ bị bỏng. Bỏng điện là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất, nạn nhân thường là trẻ em nông thôn, dưới 10 tuổi. Ngày hè các cháu thường thả diều dưới đường điện cao thế, diều  mắc vào gây phóng điện hoặc trẻ trèo lên gỡ diều và bị điện giật. Cũng có trường hợp, bé chọc tay vào ổ điện phải cắt cả bàn tay. Bên cạnh đó là bỏng canh, cháo và đồ uống nóng cũng hay gặp trong mùa hè do thời gian trẻ ở nhà nhiều hơn, lại thiếu sự giám sát của người lớn. Bỏng nồi cơm sôi khi các cháu tò mò sờ tay vào lỗ thông khí cũng có nguy cơ bị mất ngón tay. 

Điều đáng nói là trẻ bị bỏng dễ bị suy dinh dưỡng và sức khỏe kém. Theo nghiên cứu, hiện trẻ em chiếm 50% trong số gần 50.000 ca bỏng mỗi năm tại Việt Nam, trong đó gần 1/3 là bỏng nặng và một nửa trong số đó là trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ bị bỏng thường rất sợ hãi, hoảng loạn nên điều trị tâm lý khi bỏng cũng là một vấn đề. Bên cạnh đó, với các bệnh nhi bỏng, điều trị di chứng sau bỏng cũng gây tốn kém và khó khăn không nhỏ. Nhiều trường hợp bị bỏng gây biến dạng toàn bộ vùng mặt, mũi co kéo gây cản trở đường thở, sẹo lồi khắp người, cơ quan sinh dục không còn hình thù, dính ngón tay, dính cổ khiến trẻ vận động khó và biến dạng đốt sống cổ nếu trẻ bị bỏng vùng cổ. Hiếm bệnh nhân nào chỉ điều trị một lần mà hầu hết phải làm nhiều lần, có trường hợp phải phẫu thuật đến chục lần mà vẫn chưa giải quyết được hết các di chứng, khiến các chức năng và hình thể không thể phục hồi được hoàn toàn. 

Các biện pháp sơ cứu, đề phòng

Theo các bác sĩ chuyên khoa, việc chìm lâu trong nước sẽ gây tổn thương não do thiếu oxy. Việc thiếu ôxy máu tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan, đặc biệt là não và tim: Não phù làm mất tri giác; tim đập chậm, thậm chí ngừng đập. Vì vậy khi thấy trẻ bị đuối nước, phải lập tức đưa trẻ ra khỏi nước. Nếu trẻ tím tái không thở, phải thổi ngạt bằng cách áp miệng thật sát vào mũi và miệng trẻ, thổi 2 lần liên tiếp. Sau đó thổi theo nhịp cứ 4 giây cho một lần cho đến khi trẻ thở lại đều.

Nếu tim ngừng đập, cần ấn tim ngay sau thổi ngạt. Dùng tay ấn vùng nửa dưới của xương ức một cách đều đặn, cứ ấn tim 5 nhịp thì thổi ngạt 1 lần. Ấn tim và thổi ngạt cho đến khi tim đập lại và trẻ thở đều, hồng hào. Trường hợp trẻ bất tỉnh nhưng vẫn còn thở, nên cho nằm nghiêng để nước trào ra ngoài, sau đó đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Trên đường đi cũng nên tiếp tục các động tác sơ cứu. Tránh tình trạng cứ lo xốc nước mà quên sơ cứu vì sẽ kéo dài thời gian thiếu ôxy não.

Những gia đình có trẻ nhỏ cần lưu ý những nơi có nước sao cho an toàn, chú ý đến bé nhiều hơn để tránh tai nạn. Những dụng cụ chứa nước trong nhà như thau chậu, thùng xô cũng cần phải có nắp đậy kín hoặc để ở khu vực trẻ không thể nghịch chơi được. Không nên để trẻ nhỏ một mình ở nhà, nhất là bé mới chập chững biết đi.

 Hiện nay các cháu bị bỏng  dễ để lại di chứng sau bỏng là trẻ không được sơ cứu đúng cách kịp thời, thậm chí phản tác dụng. Rất nhiều trường hợp người lớn vẫn sử dụng những biện pháp truyền thống như bôi nước mắm, bôi giấm, kem đánh răng, đắp lá cây khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng và là nguyên nhân để lại di chứng nặng nề sau bỏng khi ra viện. Theo lời khuyên của các bác sĩ, sau khi trẻ bị bỏng, trừ bỏng hóa chất cần xả nước lạnh vào chỗ bỏng từ 15-20 phút liên tục để hạ nhiệt độ phần vết bỏng, tránh để bỏng sâu. Tiếp đó dùng tấm vải sạch băng bó lại để vết bỏng không bị phồng rộp và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.  Nếu bệnh nhân bỏng điện bị ngừng tim, ngừng thở đột ngột, cần tách ngay ra khỏi nguồn điện, nằm tại chỗ trên nền cứng, ấn ngực và hô hấp nhân tạo, khi bệnh nhân thở lại mới đưa đi cấp cứu.

Một con số giật mình khi trong 10 ngày trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xẩy ra 4 vụ tai nạn đuối nước cướp đi sinh mạng của 8 em học sinh. Mới đây nhất vào chiều ngày 28-4, trên dòng sông Hiếu đoạn chảy qua địa bàn xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn -Nghệ An đã xảy ra một vụ chết đuối thương tâm khi 2 em học sinh là Lê Văn Ánh và Trần Văn Minh đều trú tại xóm Tân Khánh, xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn được nghỉ học do nắng nóng nên đã rủ nhau ra sông tắm. Trước đó, vào ngày 23-4, 2 em học sinh tại trường Tiều học Quỳnh Lập ra biển mò cua bắt ốc đã bị nước biển cuốn trôi. Cách đó chỉ 3 ngày, trên dòng Sông Lam đoạn chảy qua xã Hưng Hòa, TP Vinh đã lại xảy ra một vụ chết đuối thương tâm cướp đi sinh mạng của 3  em học sinh trường THPT Lê Quý Đôn. Vụ tại nạn đuối nước thứ 4 xảy ra vào chiều 18-4 trên địa bàn huyện Đô Lương. Nạn nhân là em Lê Văn Hợp (SN 1996), hiện đang là học sinh lớp 10, trường THPT Đô Lương 3, trú quán ở xóm 3, xã Quang Sơn, Đô Lương.