Học sinh không còn khoảng trống để nghỉ ngơi, thư giãn

ANTĐ - Bước vào năm học mới, đa phần học sinh từ tiểu học đến THPT kín lịch từ sáng tới tối cả 7 ngày trong tuần với học chính khóa, học thêm, thể thao, nghệ thuật... Các bậc phụ huynh rối bù với việc sắp xếp lịch học cho con, còn học sinh cũng không còn khoảng trống để nghỉ ngơi, thư giãn.
Học sinh không còn khoảng trống để nghỉ ngơi, thư giãn ảnh 1

Không phải phụ huynh nào cũng sẵn sàng “hy sinh” buổi học thêm văn hóa để con
chơi thể thao

Môn gì cũng muốn giỏi

Với nhiều gia đình ở thành phố, không phân biệt thu nhập cao hay thấp, ưu tiên hàng đầu là đầu tư học tập cho con cái. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh bỏ cả chục triệu tiền học thêm, ngoại khóa cho con mình hàng tháng. Là một giáo viên của trường THCS Giảng Võ, nhưng cô P.T.L. cho biết, con cô vẫn thường xuyên phải học thêm môn Vật lý cùng với các môn chính như Văn, Toán, tiếng Anh.

“Nếu chỉ học Vật lý ở trường thì lên cấp 3, con sẽ không đủ sức thi vào hệ thống trường chuyên của Hà Nội” - cô giáo này cho biết. “Không những vậy, một thầy giáo ở trường còn khuyên nên đầu tư cho cháu tập luyện để đi thi đấu. Tuy nhiên, đã vào năm học rồi nên ưu tiên của gia đình là các môn văn hóa. Các môn ngoại khóa dù cần thiết nhưng không đủ thời gian để cháu tham gia hết được” - cô P.T.L. chia sẻ.

Còn tại trường THCS Alpha, chủ trương của trường trong năm học mới là giảm các giờ tăng cường môn văn hóa để dành thời gian hơn 1 tiếng tất cả các buổi chiều cho học sinh tập thể thao. Điều này được cho là đặc biệt cần thiết với thể trạng của học sinh THCS, đang tuổi phát triển. Tuy nhiên, không ít phụ huynh không ủng hộ chủ trương này và yêu cầu nhà trường giảm bớt số giờ học thể thao vì gia đình còn có mục tiêu cho con học thêm môn khác, đặc biệt là Toán và tiếng Anh.

“Cả tuần, ngoài 5 ngày học 2 buổi ở trường, thứ bảy ngoại khóa, con phải mất 2 buổi học thêm tiếng Anh, một buổi Toán, một buổi Văn, một buổi vẽ, đấy là đã nghỉ học đàn. Nếu không thì không còn ngày nào con được ở nhà. Nghĩ cũng khổ nhưng giờ không học, sau này còn khổ hơn” - chị Nguyễn Lan Anh, phụ huynh trường THCS Alpha lý giải.

Học 2 buổi/ngày ở trường có cần phải học thêm?

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội khẳng định, đã đi học 2 buổi/ngày ở trường thì không nên cho con học thêm vào các buổi tối. “Do các con phải học từ sáng đến chiều nên nhà trường và phụ huynh cần đồng hành, hỗ trợ nhau để tìm ra cách học tốt nhất cho con khi ở trường. Cần có sự cam kết từ cả hai phía để học sinh tiếp thu kiến thức tốt nhất ngay khi ở trường chứ không phải chờ vào học thêm bên ngoài. Điều này các trường ngoài công lập đã triển khai còn các trường công lập thì có nơi làm được, nơi chưa” - TS. Nguyễn Tùng Lâm phân tích.

Nhấn mạnh vào tác hại của việc học thêm tràn lan, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết: “Hiện giáo viên đang rất vất vả với tình trạng học thụ động của học sinh. Các em rất lười suy nghĩ, chỉ chờ thầy cô giảng giải, làm mẫu hộ. Điều này xuất phát từ nguyên nhân học thêm, gia sư… Nhiều bậc phụ huynh vẫn khá bảo thủ khi cho rằng chỉ có đi học kín lịch cả tuần thì con mới đạt kết quả tốt nhất mà không nghĩ đến hệ quả đi kèm”.

Còn theo cô Đoàn Thị Oanh, Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng Hậu, việc học 2 buổi/ngày như ở trường này đã đáp ứng tương đối tốt yêu cầu kiến thức cơ bản của học sinh. “Các con được học và ôn ngay tại tiết học để không phải về nhà học lại. Giờ kiểm tra miệng vốn là cách truyền thống xưa nay để bắt buộc học sinh phải ôn bài nay đã không phù hợp. Cách thức này gây căng thẳng, đối phó. Hiện tại, các cô chỉ yêu cầu học sinh về nhà xem trước bài trong sách giáo khoa, tìm hiểu tài liệu, đưa ra câu hỏi, suy nghĩ cá nhân. Cách chuẩn bị này hứng thú hơn là học vẹt bài cũ, đồng thời tạo được sự chủ động khi đến lớp học ngày hôm sau” - cô Đoàn Thị Oanh chia sẻ.

Được biết, với các môn chính như Toán, Văn, tiếng Anh, nhà trường đều bố trí tiết tăng cường, tự chọn vào buổi thứ hai. Nếu kết hợp với sự khuyến khích, kiểm tra, nhắc nhở của phụ huynh ở nhà, các con hoàn toàn có thể hoàn thành tốt kiến thức theo yêu cầu thay vì phải đi học thêm để củng cố. Biết cách tự học, chủ động và nắm vững kiến thức sách giáo khoa chính là những chìa khóa của thành công mà không cần phải tốn thời gian, tiền bạc cho hành trình học thêm đầy vất vả của nhiều học sinh hiện nay.