Hoạt động giám sát còn yếu vì chỉ... ngồi nghe báo cáo

ANTĐ -Hàng năm, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, HĐND các tỉnh/ thành phố… đều tiến hành giám sát việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước và địa phương, song hiệu quả giám sát nhìn chung còn rất thấp. Thậm chí nhiều cuộc giám sát song, kết luận cũng “trôi theo”. 

Đó là những ý kiến đầy trăn trở được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) – trong đó có cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng – nêu ra khi bàn về dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, tại hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách diễn ra chiều nay, 24-8.

Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách sẽ bàn về 5 dự án Luật quan trọng 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phân tích, trong dự thảo luật lần này vẫn chưa quy định rõ hoạt động giám sát song thì hiệu quả như thế nào, đem lại kết quả gì. “Chất lượng giám sát của ta, kể cả giám sát tối cao của Quốc hội, HĐND vẫn trôi đi đâu mất, trong khi đây là trọng tâm, là điểm mấu chốt của dự luật này” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, giám sát song cần phải có 2 kết quả: một là ra các kiến nghị, khi nhận được kiến nghị đương nhiên các chủ thể giám sát phải nghiên cứu, tiếp thu, trả lời chấp nhận hay không; thứ 2 là ra kết luận. Giá trị pháp lý của kết luận cao hơn nhiều so với kiến nghị. Người ra kết luận phải chịu trách nhiệm về kết luận do mình đưa ra, còn người chịu giám sát phải chấp hành, thi hành kết luận đó. Nghị quyết giám sát phải quy định rõ được 2 vấn đề như vậy.

Đồng quan điểm này, ĐB Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho rằng, hoạt động giám sát của chúng ta dù đã có nhiều cố gắng nhưng nhìn chung thì vẫn còn hình thức, còn “cưỡi ngựa xem hoa”. ĐB Bùi Mạnh Hùng đề nghị cần bổ sung thêm chức năng kiểm tra khi quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND trong luật này, bởi “khi đi giám sát nếu không kiểm tra thực tế thì sẽ khó kết luận chính xác”.

“Tới đây chúng ta đi giám sát về đất rừng, tôi dám chắc nếu chỉ giám sát trên văn bản báo cáo thì đất rừng của ta còn nhiều lắm nhưng có đi thực tế kiểm tra mới thấy đất rừng đang giảm sút nghiêm trọng. Nếu không kiểm tra thì sẽ khó kết luận chính xác, như thế có khi còn là tiếp tay cho sai phạm” – ĐB Bùi Mạnh Hùng dẫn chứng.

Tương tự, ĐB Đỗ Văn Đương (đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) mạnh dạn chỉ ra thực tế: “bấy lâu nay dù giám sát chuyên đề hay giám sát báo cáo các bộ ngành, giám sát khiếu nại của cử tri, hầu như các đoàn giám sát của chúng ta đều nghe báo cáo là chính. Đi giám sát mà chỉ ngồi nghe báo cáo thì cái gì chẳng hay lắm. Cần có quy định về các phương thức giám sát để nâng cao hiệu quả hoạt động này”.

 Cụ thể, theo ĐB Đỗ Văn Đương, khi giám sát cần theo trình tự: thứ nhất vẫn nghe báo cáo từ đơn vị được giám sát; thứ 2 phải trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ việc liên quan đến phạm vi giám sát; thứ 3 là xem xét tại chỗ, chẳng hạn giám sát cơ sở ô nhiễm thì phải đến tận nơi, lập biên bản… Đồng thời mọi cuộc giám sát đều phải ban hành kết luận và bên được giám sát khi đã chấp nhận kết luận đó thì buộc phải thi hành.