chương trình dạy tiếng anh Năm học mới 2010-2011:
Hoãn triển khai đại trà ở cấp tiểu học
(ANTĐ) - Vấn đề quá tải và công tác triển khai chương trình dạy tiếng Anh bậc tiểu học được lãnh đạo Bộ GD-ĐT trực tiếp trao đổi với báo chí trước thời điểm chính thức bước vào năm học mới. Trong đó, thắc mắc được đặt ra là đề án dạy tiếng Anh bậc tiểu học vì sao chưa được triển khai với dự kiến ban đầu là 20% học sinh lớp 3 toàn quốc được bắt đầu chương trình tiếng Anh mới.
Việc dạy tiếng Anh chưa thể triển khai đại trà ở cấp tiểu học |
Chỉ thí điểm với quy mô 100 trường
Mặc dù theo đề án dạy ngoại ngữ đến năm 2020, Bộ GD-ĐT đặt ra chỉ tiêu năm 2010, 20% học sinh lớp 3 trên toàn quốc sẽ được giảng dạy tiếng Anh theo chương trình mới, được xây dựng liên thông từ lớp 3 đến lớp 12, tuy nhiên, trong cuộc họp báo về năm học mới ngày 27-8, bà Trần Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết, công việc này chưa được triển khai trong năm nay.
Theo dự báo của Bộ GD-ĐT, năm học mới 2010 - 2011 giáo dục mầm non có 3.642.800 học sinh. Giáo dục phổ thông có 15.210.000 học sinh, trong đó có 7.030.000 học sinh tiểu học, 5.280.000 học sinh THCS, 2.900.000 học sinh THPT. Trung cấp chuyên nghiệp có 820.000 học sinh. Có 700.000 sinh viên cao đẳng và 1.500.000 sinh viên đại học. Số học sinh, sinh viên các cấp học đều tăng so với năm học 2009-2010. |
Theo bà Thắm, qua các cuộc làm việc của Ban chỉ đạo đề án dạy học ngoại ngữ đến năm 2020, các thành viên đều nhận thấy cần có sự chuẩn bị chu đáo, bởi tiếng Anh tiểu học sẽ là điểm khởi đầu, đặt nền móng cho quá trình học ngoại ngữ của học sinh phổ thông. Do vậy, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo Bộ, năm học 2010-2011 sẽ chỉ tiến hành thí điểm tại 100 trường tiểu học trên toàn quốc chứ chưa triển khai rộng tới 20% học sinh lớp 3 như dự kiến trong đề án.
Như vậy, trong năm học này chỉ có 100 trường tiểu học được triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh mới. Còn đối với các trường khác, đặc biệt là các trường trong các thành phố lớn thì bà Thắm cho biết, việc học tiếng Anh vẫn triển khai theo chương trình tự chọn. Đây cũng là điểm còn nhiều băn khoăn khi tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhiều học sinh tiểu học được học tiếng Anh tự chọn từ lớp 1, vậy lên lớp 3 khi triển khai đại trà chương trình tiếng Anh mới của Bộ thì những học sinh này có phải học lại từ đầu theo chương trình hay không?
Giảm tải tiểu học, tăng buổi ở trung học
Thắc mắc về thực chất vấn đề giảm tải ở cấp tiểu học như thế nào được bà Trần Thị Thắm cho biết, chương trình và SGK tiểu học hiện nay đã được thực hiện từ năm 2002. Trong quá trình thực hiện, vấn đề quá tải chủ yếu chỉ xảy ra ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số do thực hiện 1 chương trình, 1 bộ sách trên toàn quốc. Bộ đã nhiều lần rà soát, điều chỉnh và có công văn chỉ đạo dạy học theo vùng miền. Bộ cũng đã ban hành chuẩn kiến thức kỹ năng, chỉ rõ chuẩn cơ bản học sinh cần đạt được qua từng bài giảng. Vì dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng nên vấn đề giảm tải không đặt ra nữa.
Còn đối với cấp THCS và THPT, theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, học sinh không học quá 6 buổi/tuần, tuy nhiên cũng theo hướng dẫn của Bộ, những trường có điều kiện có thể tăng số buổi học của học sinh với điều kiện không được bắt ép học sinh theo học. Giải thích về hướng dẫn này, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, đối với tất cả các cấp học, việc học 2 buổi/ngày sẽ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập của học sinh. Tuy nhiên việc triển khai học 2 buổi/ngày ở cấp trung học rất khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất các trường không đủ để đáp ứng. Thống kê của Vụ Giáo dục trung học cho thấy hiện cả nước số trường THPT triển khai học 2 buổi/ngày với 100% học sinh là 517 trường, chiếm chưa tới 8% số trường THPT toàn quốc.
Ở cấp THCS, con số này là 798 trường, chiếm 8,88% số trường THCS toàn quốc. “Nhu cầu học 2 buổi/ngày với bậc học này ngày càng tăng nhưng các trường chưa thể triển khai đồng loạt do thiếu điều kiện cả về giáo viên và cơ sở trường lớp” - ông Chuẩn cho biết. Do vậy, nếu muốn học 2 buổi/ngày, các trường phải huy động các khoản đóng góp thỏa thuận với phụ huynh học sinh để trả lương tăng tiết cho giáo viên và đầu tư cho trường lớp. Cũng vì thế mà Bộ phải quy định các trường không được ép học sinh học 2 buổi/ngày để tùy theo điều kiện của phụ huynh học sinh có thể tham gia tăng buổi hay không.
Vinh Hương