Hoàn thiện chính sách để người lao động không "lọt lưới" an sinh xã hội

ANTD.VN - Theo các nhà nghiên cứu chính sách, nếu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm không có sự thay đổi mạnh mẽ thì cùng với quá trình già hóa dân số, Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn để đảm bảo an sinh xã hội.

Hoàn thiện chính sách để người lao động không "lọt lưới" an sinh xã hội ảnh 1

Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu, đề xuất các gói bảo hiểm phù hợp với mong muốn và khả năng chi trả của người lao động

Chưa đáp ứng kỳ vọng

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết tháng 10-2019, cả nước có khoảng 14,9 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ bao phủ dần được tăng lên, ước tính hết năm 2019 đạt bao phủ là 32,5% trong tổng số lực lượng lao động.

Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt khoảng 488.000 người, chiếm khoảng 0,9% trong lực lượng lao động trong độ tuổi. Tuy nhiên, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện này vẫn còn rất nhỏ nếu so với khoảng 18 triệu lao động trong khu vực phi chính thức hiện nay. 

Việc này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có hàng triệu người dân khi về già không có lương hưu và như thế sẽ dồn gánh nặng lớn cho Nhà nước trong việc đảm bảo lưới an sinh xã hội bền vững.

Trong các chính sách an sinh xã hội đối với người nghèo, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể được coi là chính sách an sinh chủ động, đảm bảo an sinh cho người lao động khi hết tuổi lao động, không còn khả năng lao động được Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả lương hưu, đảm bảo thu nhập và ổn định cuộc sống.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện thể hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta nhằm góp phần ổn định cuộc sống của người lao động khi về già, quỹ bảo hiểm được Nhà nước bảo trợ, đồng thời chính sách này cũng thể hiện sự tích cực, chủ động của người lao động về tự an sinh cho chính bản thân mình, góp phần chia sẻ cộng đồng và phát triển xã hội.

Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đặt mục tiêu, đến năm 2021, có khoảng 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội; 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Tỷ lệ này năm 2025 tương ứng là 45% và 55%. Để hoàn thành mục tiêu này, việc thay đổi, hoàn thiện chính sách để thu hút người lao động tham gia.

Tăng thời gian, giảm quyền lợi

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, để khuyến khích mọi người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với người tham gia thuộc các đối tượng khác… trong suốt 10 năm đầu tham gia.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bên cạnh nhận thức của nhiều người lao động về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn chưa đầy đủ nên hiện nay họ mới chỉ quan tâm đến vấn đề tiền lương, thu nhập hàng tháng, chưa quan tâm đến việc phòng xa cho bản thân khi hết tuổi lao động, thì mức hỗ trợ đóng của Nhà nước còn hạn chế, điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu còn dài làm giảm tính hấp dẫn chính sách.

Thực tế này đòi hỏi cần hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội để hấp dẫn đối với người tham gia, có biện pháp giải quyết nhu cầu tài chính ngắn hạn của người lao động, củng cố niềm tin của người lao động đối với chính sách.

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu, đề xuất thí điểm 3 gói bảo hiểm xã hội ngắn hạn trong đó bổ sung thêm các quyền lợi về ốm đau, thai sản, trợ cấp gia đình, trẻ em cũng như linh hoạt phương thức đóng, hưởng để thu hút người lao động tham gia.