Hoàn tất "Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương" lịch sử

ANTĐ - Cho dù liên tiếp phải lùi lại bởi những bất đồng song cuối cùng 12 quốc gia thành viên sáng lập, trong đó có Việt Nam, đã hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lịch sử để hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Hoàn tất "Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương" lịch sử ảnh 1

Đại diện 12 nước tham gia đàm phán tuyên bố đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về TPP tại Altanta, Mỹ

Thông tin mới nhất cho thấy, cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng về TPP tại thành phố Atlanta đã đạt được thỏa thuận cuối cùng vào lúc 7h55 ngày 5-10 theo giờ miền Đông nước Mỹ (tức 18h55 cùng ngày theo giờ Việt Nam). Cuộc đàm phán về TPP khép lại  sau khi các nước vượt qua được những bất đồng về vấn đề sản phẩm bơ sữa và vấn đề bảo hộ sáng chế sinh học, trong đó vấn đề bơ sữa là giữa Mỹ, Canada với New Zealand, còn bản quyền sáng chế sinh học là giữa Mỹ với Australia.

Trước đó, Bộ trưởng Thương mại của 12 nước đang tham gia đàm phán TPP đã định tổ chức họp báo để công bố thỏa thuận về hiệp định được trông đợi này vào tối 4-10, song kế hoạch đã bị hủy vào phút chót mà không rõ lý do. Sau đó mới biết thỏa thuận về TPP chưa thể công bố do còn bất đồng về vấn đề sản phẩm bơ sữa và bản quyền thuốc sinh học mới bào chế.

Bộ trưởng Thương mại 12 nước, trong đó có Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng, dự kiến họp trong 2 ngày 30-9 và 1-10 tại Atlanta với hy vọng có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng về Hiệp định TPP. Các “nút thắt” lớn nhất của vòng đàm phán này vẫn là các vấn đề về mở cửa thị trường và sở hữu trí tuệ, vốn đã khiến cuộc đàm phán hồi cuối tháng 7 vừa qua tại Hawaii (Mỹ) thất bại. 

Sau khi một trong những trở ngại lớn lâu nay là vấn đề dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng linh kiện ô tô (của Nhật Bản) nhập khẩu vào thị trường Bắc Mỹ (gồm Mỹ, Mexico và Canada) đã được giải quyết ngày 1-10, các Bộ trưởng quyết định kéo dài cuộc đàm phán tới ngày 4 rồi 5-10 (giờ Mỹ) với hy vọng đạt được thỏa thuận cuối cùng. 

Bất đồng lớn nhất bất ngờ nổi lên tại Atlanta là việc Canada và Mỹ mở cửa thị trường cho các sản phẩm sữa của New Zealand khiến đàm phán TPP rơi vào bế tắc. Trong khi trở ngại về vấn đề mở cửa thị trường sản phẩm bơ sữa chưa được giải quyết thì vấn đề bản quyền sáng chế sinh học tưởng như không còn vướng mắc giữa Mỹ và Australia “nóng” trở lại. Cho tới cuối ngày 4-10, Bộ trưởng Thương mại Australia Andrew Robb vẫn tỏ ra khá cứng rắn khi tuyên bố, cơ hội để TPP được thông qua trong ngày 5-10 (giờ Mỹ) là 50/50. 

Tuy nhiên, vào phút chót, Bộ trưởng Thương mại của 12 nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia,   Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về Hiệp định TPP lịch sử.  Khác với các hiệp định thương mại trước đây thường tập trung nhiều vào vấn đề giảm thuế, TPP được coi là hiệp định thương mại toàn diện, nhắm đến việc thiết lập bộ quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao, giải quyết các vấn đề của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và việc làm tại các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.

TPP khi được 12 nước thành viên sáng lập phê chuẩn sẽ hình thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.

Các mốc chính của TPP
Năm 2006: Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPSEP hay P4) được ký kết bởi 4 nước Brunei, Chile, Singapore và New Zealand.
Năm 2008 - 2013: Đàm phán TPP trên cơ sở TPSEP. Thêm 8 nước đồng ý tham gia đàm phán bên cạnh 4 nước ban đầu là Australia, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, Mỹ và Việt Nam. Mục tiêu ban đầu là ký kết được thỏa thuận trước năm 2012.
Năm 2010 - 2013: 19 vòng đàm phán được tiến hành.
Từ tháng 8-2013: Các vòng đàm phán chính thức không được tổ chức song các cuộc họp khác vẫn diễn ra.
Năm 2014 - 2015: Các cuộc họp giữa các trưởng đoàn đàm phán và Bộ trưởng thương mại được tiếp diễn.
Tháng 10 - 2015: Mọi thông tin liên quan đến đàm phán TPP được giữ bí mật cho đến khi đạt được thỏa thuận cuối cùng giữa 12 nước tại Atlanta, Mỹ.