Hỏa hoạn tại chùa Bút Tháp, di tích Quốc gia đặc biệt

ANTĐ - Đêm 21-8, tại chùa Bút Tháp ở xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã xảy ra vụ hỏa hoạn tại Phủ thờ và khám thờ Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc. Đám cháy đã thiêu rụi một hương án có niên đại thế kỷ XVII, xém một phần bệ tượng và cột gỗ gần đó.
Hỏa hoạn tại chùa Bút Tháp, di tích Quốc gia đặc biệt ảnh 1

Khách nước ngoài tới tham quan và vãn cảnh chùa sáng 25-8

 Xác định nguyên nhân cháy

Ngày 25-8, toàn bộ gian thờ bị cháy đã được Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bắc Ninh niêm phong sau khi khám nghiệm hiện trường. Nguyên nhân gây cháy sẽ được công bố trong vài ngày tới. Tuy nhiên, theo đoán định ban đầu, rất có thể cháy do chập điện vì trên hương án có đặt hai cây nến điện. Theo những nhân chứng kể lại, khoảng 2h sáng, sư bác Thích Minh Tâm thấy mất điện toàn bộ khu vực chùa, cùng với đó là mùi khét. Nhà sư kiểm tra thì phát hiện có đám cháy và khói đen bốc ra từ trong Phủ thờ.

Khoảng 15 phút sau, đám cháy được dập tắt. Ông Nguyễn Văn Đáp - Trưởng phòng Quản lý Di sản - Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, 8h sáng cùng ngày, các cơ quan chức năng đã có mặt, qua kiểm tra xem xét, xác định thiệt hại bước đầu, một hương án gỗ đặt tại gian giữa nhà Phủ thờ có niên đại khoảng  hơn 300 năm, hình chữ nhật dài 194cm, cao 134cm, rộng 140cm kiểu chân quỳ dạ cá, chạm khắc tinh xảo, tỉ mỉ đề tài tứ linh, tứ quý đã bị cháy.

 Trên hương án bài trí một bát hương và đôi lọ hoa bằng gốm men, các hiện vật này đều đã vỡ, mảnh vỡ lẫn trong tro than của hương án. Khám và tượng thờ Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (cổ vật quý có cùng niên đại với chùa) đặt phía sau Hương án cũng bị cháy một phần phía trước thân khám và toàn bộ phần nóc khám thờ.

Ngoài ra, một số hoành, dui và phần mới của Phủ thờ tại vị trí phía trên Hương án và khám thờ cũng bị ám khói đen. Hiện tại, do một phần thân khám thờ bị cháy nên hiện vật này có thể sập bất cứ lúc nào. Vì thế, địa phương và nhà chùa đề xuất gia cố tạm thời tránh sập các phần gỗ còn lại.

Hệ thống báo cháy tại chùa đã được lắp đặt, tuy nhiên, do lâu ngày không sử dụng đã phần nào hư hại. Để bảo vệ tốt nhất những bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại chùa, trong vài ngày tới, Sở VH-TT&DL Bắc Ninh cần khẩn trương rà soát và lắp đặt lại hệ thống an ninh cũng như báo cháy tại di tích này. 

Di sản nghìn năm không thể mua được bằng tiền

Vụ cháy ở một Di tích Quốc gia được xếp hạng đặc biệt như chùa Bút Tháp được xem như tiếng chuông khẩn thiết về phòng cháy cho di tích kiến trúc gỗ.

 Còn nhớ, năm 2011, chùa Tảo Sách - Hà Nội cháy, lửa thiêu rụi gian Tam Bảo. Trước đó, năm 2007, khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tồn tại trên 400 năm tại tỉnh Sóc Trăng là chùa Dơi đã phát hỏa. Dù lực lượng chữa cháy có mặt kịp thời nhưng khi ngọn lửa được khống chế thì bên trong chính điện chỉ còn lại đống đổ nát. Sự cố này không chỉ làm chùa tan, tượng cháy mà còn ảnh hưởng đến đàn dơi quý, bấy lâu nay vẫn sống trong chùa.  Đến năm 2013, đền thờ Trung Túc vương Lê Lai thuộc khu di tích Quốc gia Lam Kinh - Thanh Hóa bốc cháy. Lực lượng cứu hỏa đến nơi thì đền thờ chỉ còn là tro tàn. 

Từ lâu, công tác phòng cháy chữa cháy cho di tích được đặt ra nhưng rồi việc thực hiện phần nhiều vẫn còn lơ là, chủ quan và thiếu đồng bộ. Các phương tiện PCCC ngoài bình bọt ra thì không còn gì khác. Ngay cả với phương tiện tối thiểu đó, nếu có một cuộc tổng kiểm tra thì nơi có, nơi không hoặc có cũng không hoạt động được do… quá hạn sử dụng. Nhiều kiến trúc sư, nhà nghiên cứu đã lên tiếng về việc thiết kế các trụ cứu hỏa hoặc bể chứa nước phòng khi rủi ro nhưng vẫn chưa có mấy di tích đáp ứng được tiêu chuẩn này vì nghĩ, lo thế là… quá xa.

Nhiều nơi lại viện lý do thiếu  kinh phí. Có lẽ, sau rất nhiều những vụ cháy đáng tiếc kể trên, Bộ VH-TT&DL cần có một cuộc tổng rà soát về phòng cháy và chữa cháy trong di tích, từ đó kịp thời đề ra những giải pháp cấp bách. Bởi di sản mất đi không có cách gì khắc phục nổi, cũng không thể mang giá trị vật chất ra mà cân đong đo đếm. Vì ai cũng biết, di sản nghìn năm không thể mua được bằng tiền.

Nơi lưu giữ bảo vật quốc gia

Chùa Bút Tháp hay còn gọi là  Ninh Phúc tự hoặc chùa Nhạn Tháp nằm bên đê hữu ngạn sông Đuống. Theo Địa chí Hà Bắc, chùa có từ đời Trần Thánh Tông (1258-1278).

 Chùa từng là nơi Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc chọn là nơi tu hành sau khi rời bỏ cung thất, khoảng năm 1644. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử và nghệ thuật, chùa Bút Tháp đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Đây là một trong số ít ngôi chùa cổ, có quy mô kiến trúc lớn của đồng bằng Bắc bộ còn lại nguyên vẹn cho đến ngày nay. Kiến trúc chùa vẫn dùng khung gỗ chịu lực nhưng nền bệ lan can dùng đá rất phổ biến, trên có những hình động vật được khắc sinh động và độc đáo.

Bảo vật đặc biệt nhất của chùa phải kể đến tượng Phật Quan âm nghìn mắt nghìn tay do nhà điêu khắc họ Trương tạc năm 1656. Đây được coi là một kiệt tác độc nhất vô nhị về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng. Tượng Phật bà nghìn mặt nghìn tay đã được công nhận bảo vật Quốc gia từ vài năm  trước. 

Chùa Bút Tháp được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, hiện tại, chùa vẫn do địa phương quản lý.