Hòa giải, đối thoại trong giải quyết dân sự và hành chính sẽ tạo bước đột phá

ANTD.VN - Sáng 2-11, TAND TP Hà Nội tổ chức “Hội nghị triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND hai cấp TP Hà Nội”. Đây được kỳ vọng là giải pháp tạo bước đột phá trong giải quyết các tranh chấp phức tạp, kéo dài ở Thủ đô.

Đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội tới dự.        Theo báo cáo kết quả triển khai thành lập các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân hai cấp TP Hà Nội, hòa giải, đối thoại là phương thức giải quyết hiệu quả các tranh chấp, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội nhằm hạn chế tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài, giảm tải cho công tác xét xử của Toà án.

Kết quả hòa giải, đối thoại còn góp phần hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự, giữ gìn sự ổn định trật tự xã hội, tạo đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.

Để đổi mới, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính, ngày 1-10-2018, Chánh án TAND tối cao đã ban hành Kế hoạch số 301/KH-TANDTC về việc triển khai thực hiện thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại một số TAND, trong đó có TAND TP Hà Nội.

Chánh án TAND TP Hà Nội - Nguyễn Hữu Chính nói về công tác hòa giải, đối thoại tại hội nghị. 

Thực hiện kế hoạch nêu trên, các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại 16 đơn vị thuộc TAND hai cấp TP Hà Nội sẽ tiến hành hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động; đối thoại các khiếu kiện hành chính trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết (trừ những tranh chấp, khiếu kiện theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính không được hòa giải, đối thoại).

Trong quá trình hòa giải, đối thoại, các Hòa giải viên, Đối thoại viên là những người trung lập, khách quan hỗ trợ các bên thỏa thuận, đối thoại để giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Những lời khai của người tham gia hòa giải, đối thoại không được sử dụng làm chứng cứ trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật.

Trường hợp các bên yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành thì quyết định này có hiệu lực thi hành như bản án, quyết định của Tòa án. Chi phí, bồi dưỡng cho Hòa giải viên, đối thoại viên do Tòa án chi trả. Các bên không phải chi trả cho Hòa giải viên, Đối thoại viên bất cứ khoản thù lao nào.

Tại hội nghị, Chánh án TAND TP Hà Nội - Nguyễn Hữu Chính khẳng định, việc ra đời các Trung tâm hòa giải, đối thoại ở 16 đơn vị thuộc TAND hai cấp TP Hà Nội sẽ là cơ sở thực tiễn để xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, giúp giảm tải công tác xét xử của Tòa án trong bối cảnh số lượng biên chế của Tòa án còn hạn chế, trong khi số lượng các vụ tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính ngày càng tăng, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp.

Bên cạnh đó, việc ra đời của các trung tâm hòa giải, đối thoại còn là bước chuyển mình lớn trong việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp và thủ tục giải quyết các vụ việc tại Tòa án, góp phần tạo sự đồng thuận giữa các đương sự, giữ gìn ổn định, trật tự an toàn xã hội.

Tham dự, chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao đã giao những nhiệm vụ khá cụ thể cho TAND TP Hà Nội trong việc thí điểm thực hiện các Trung tâm hòa giải, đối thoại. Cũng tại hội nghị này, TAND Tối cao, TAND TP Hà Nội đã công bố một số quyết định liên quan đến chế định hòa giải, đối thoại và cải cách tư pháp.