Hỗ trợ lao động mất việc làm trong doanh nghiệp khó khăn
(ANTĐ) - Ngày 25-2, Bộ LĐ-TB&XH đã công bố Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế.
Các đối tượng mất việc làm sẽ được vay vốn để học nghề và tự tạo việc làm (ảnh có tính minh họa) |
Theo Quyết định của Chính phủ, trong năm 2009, doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định cho người lao động bị mất việc làm sẽ được Nhà nước cho vay để thanh toán.
Trong đó, đối tượng vay là doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế mà phải giảm số lao động hiện có từ 30% trở lên hoặc từ 100 lao động trở lên (không kể lao động thời vụ có thời hạn dưới ba tháng) và sau khi đã sử dụng các nguồn của doanh nghiệp mà vẫn chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho số lao động đã giảm.
Thời hạn vay tối đa 12 tháng. Mức vay tối đa bằng số kinh phí để thanh toán nợ tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc phải trả cho người lao động bị mất việc làm và lãi suất vay là 0% tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Có nhiều thuận lợi khi dòng lao động quay về địa phương sản xuất |
Đối với người lao động bị mất việc làm tại doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp bỏ trốn trong năm 2009, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ứng ngân sách địa phương trả cho người lao động có trong danh sách trả lương của doanh nghiệp khoản tiền lương mà doanh nghiệp còn nợ người lao động. Nguồn tạm ứng từ ngân sách địa phương được hoàn trả từ nguồn thu khi thực hiện xử lý tài sản của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Trường hợp nguồn xử lý tài sản không đủ thì báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Với đối tượng bị mất việc làm trong năm 2009 theo quy định nói trên, đi lao động ở nước ngoài bị mất việc làm do doanh nghiệp gặp khó khăn phải về nước trước thời hạn cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ. Theo đó, được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm.
Được vay vốn để học nghề theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày người bị mất việc làm. Được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội như đối tượng chính sách quy định tại Quyết định số 365/2004/QĐ-NHNN ngày 13-4-2004 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày người lao động bị mất việc làm hoặc ngày người lao động về nước.
Ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, ở Việt Nam hiện có khoảng 45 triệu lao động, trong đó có tới 70% là lao động nông thôn. Số 70% này là lao động phi chính thức, không có quan hệ lao động nên bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế không nhiều. Qua báo cáo của 40 địa phương cho thấy, số lao động mất việc làm hiện nay là khoảng 66 nghìn người.
Ước tính, cả nước có số lao động mất việc sẽ khoảng 80 nghìn người. Những địa phương có lao động bị mất việc làm dẫn đầu là thành phố Hồ Chí Minh khoảng 19 nghìn người, tiếp sau là Hà Nội khoảng 10 nghìn người... Dự báo, 6 tháng đầu năm nay số lượng lao động mất việc làm trên địa bàn cả nước là khoảng 300 nghìn người và 6 tháng cuối năm sẽ có thêm 100 nghìn người nữa.
Cũng theo ông Đồng, tình trạng mất việc làm ở Việt Nam hiện nay chưa đến mức trầm trọng. Sau khi kinh tế hồi phục, ngay từ bây giờ nếu doanh nghiệp không có chiến lược tuyển dụng, giữ chân lao động sẽ lại rơi vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Bởi, trong khủng hoảng, doanh nghiệp sa thải người lao động, số lao động này sẽ sang các doanh nghiệp khác, hoặc trở về địa phương để tìm việc làm mới... Bên cạnh đó, hiện nay đang có một dòng di chuyển lao động đang quay trở về địa phương của mình, mặc dù giá nhân công rẻ hơn nhưng chi phí sinh hoạt của họ sẽ không cao nên sẽ thuận lợi hơn là đi làm xa.
Huệ Chi