Hỗ trợ cho người chỉ có con gái: Hạn chế hay sẽ khoét sâu mất cân bằng giới tính?

ANTĐ - Cặp vợ chồng có 1-2 con toàn gái, không có bất kỳ chế độ bảo hiểm xã hội nào thì khi về già (60 tuổi) sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Đây là một vấn đề được đưa ra trong Dự thảo Luật Dân số lần 3, đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến. Vấn đề này đang nhận được sự quan tâm và tranh luận của nhiều chuyên gia cũng như người dân.
Hỗ trợ cho người chỉ có con gái: Hạn chế hay sẽ khoét sâu mất cân bằng giới tính? ảnh 1

Hạn chế lựa chọn giới tính thai nhi

Theo Dự thảo được đưa ra thì “Ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội”. Cụ thể là những người ngoài 60 tuổi không có lương hưu mà sinh 1-2 con chỉ có con gái sẽ được hỗ trợ một khoản tiền từ ngân sách Nhà nước. Quy định này dù đã từng nhận được nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cơ quan soạn thảo Luật vẫn kiên trì đưa vào Dự thảo Luật Dân số lần 3 để lấy ý kiến rộng rãi.

Bởi theo quan điểm của cơ quan này thì việc hỗ trợ về kinh tế là hết sức quan trọng, có tác dụng tuyên truyền, lan tỏa rất lớn đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các gia đình sinh con một bề là con gái. Từ đó giúp thay đổi quan điểm của người dân, hạn chế tâm lý sính con trai góp phần đảm bảo cân bằng giới tính.

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, trong cơ cấu dân số nước ta hiện nay có 2 vấn đề rất quan trọng nổi lên: Thứ nhất là cơ cấu dân số về độ tuổi. Tốc độ già hóa dân số nhanh dẫn đến tỷ lệ người già ngày càng cao. Trong khi đó tại Việt Nam, người cao tuổi hiện nay có điều kiện được chăm sóc đầy đủ, người có chế độ an sinh xã hội cũng như có lương hưu chiếm tỷ lệ rất thấp. Trên 70% dân số người cao tuổi hiện nay vẫn đang còn sống dựa vào con cái, không có chế độ gì. Vấn đề thứ hai trong cơ cấu dân số là mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo số liệu từ cuộc Tổng điều tra dân số gần đây nhất (2009) thì tỷ lệ bé trai/bé gái là 110,6/100. Cuộc điều tra giữa kỳ được tiến hành vào năm ngoái con số này đã tăng lên 112/100. Nếu vấn đề này không được giải quyết thì khoảng vài chục năm tới, chúng ta sẽ phải đối mặt với những vấn đề rất phức tạp về an sinh xã hội.

Hai vấn đề đó xuất phát từ nguyên nhân rất sâu xa, đó là người dân có nhu cầu sinh con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, chăm sóc và bảo hiểm cho tuổi già. Chính vì vậy, người dân vẫn có tâm lý thích sinh con trai và sinh nhiều con. Quy định này sẽ góp phần giải quyết tâm lý trên, thông qua việc hỗ trợ người cao tuổi có con một bề là con gái, đồng thời giảm bớt tâm lý sính con trai của các cặp vợ chồng.

Theo đại diện cơ quan soạn thảo Luật thì quy định này được hình thành dựa trên sự học hỏi từ một số quốc gia có nền văn hóa tương đồng Việt Nam, chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trọng nam khinh nữ. Cụ thể như Hàn Quốc và Trung Quốc đều có chế độ ưu tiên cho trẻ em gái hoặc trợ cấp cho người già có con một bề là gái. 

Liệu có khoét sâu thêm sự mất cân bằng giới?

Dù quy định trên mang ý nghĩa xã hội và nhân văn rất lớn nhưng nhiều người vẫn còn băn khoăn về hiệu quả cũng như tính khả thi. GS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em không đồng tình với quy định này, vì theo ông nó có thể càng khoét sâu thêm sự mất cân bằng giới. Về khía cạnh an sinh xã hội cho người già, GS Cử cho rằng thực tế không chỉ con trai mới báo hiếu được cha mẹ mà các con gái cũng hoàn toàn làm tốt việc này. “Khi gia đình họ được hỗ trợ chi phí phụng dưỡng có thể lại làm khơi sâu thêm về mất bình đẳng giới, họ cảm thấy bị coi thường, không đủ khả năng phụng dưỡng cha mẹ. Mà thực tế, chưa chắc cha mẹ có con trai được phụng dưỡng tốt hơn gia đình sinh toàn con gái”.

Còn về khía cạnh hạn chế lựa chọn giới tính thai nhi, GS Cử cũng cho rằng giải pháp này sẽ không mang lại nhiều hiệu quả. Bởi theo ông, những đối tượng lựa chọn giới tính cho thai nhi thường không phải là đối tượng khó khăn. Cuộc điều tra dân số gần đây nhất cho thấy càng những gia đình giàu thì càng lựa chọn giới tính thai nhi, cụ thể 20% dân số ở nhóm nghèo nhất tỷ lệ sinh hoàn toàn bình thường trong khi tỷ lệ này tăng lên tỷ lệ thuận ở những gia đình trung bình - giàu - giàu nhất (lên tới 115/100). Thêm nữa là người mẹ càng có dân trí cao thì càng lựa chọn giới tính nhiều hơn, nhóm có trình độ cao đẳng, đại học tỷ lệ giới tính khi sinh lên tới 114/100.

Như vậy chính sách này có hiệu lực thì sẽ không tác động nhiều đến những nhóm đối tượng có xu hướng lựa chọn giới tính thai nhi, vì những người giàu và có trình độ thì khuyến khích về vật chất không mấy tác động. Ngoài ra GS Cử cũng nghi ngờ tính khả thi của quy định vì nếu hỗ trợ, nguồn ngân sách khó mà đảm bảo khi mỗi năm phải chi thêm hàng nghìn tỷ đồng cho việc này. 

Nhiều ý kiến còn cho rằng bản thân quy định hỗ trợ cho gia đình sinh toàn con gái đã mâu thuẫn với Luật Bình đẳng giới. Vì trong Luật này đã quy định nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, không bị phân biệt đối xử về giới tính, đảm bảo bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Nếu quy định hỗ trợ cho gia đình sinh con gái, vô hình trung đã khoét sâu thêm sự bất bình đẳng.

Anh Nguyễn Trung Thành (phường Định Công, quận Hoàng Mai)

Nhiều người đang nhầm lẫn, họ nghĩ rằng cứ sinh toàn con gái là được “thưởng” ngay một khoản tiền. Theo tôi hiểu thì đây là chế độ chỉ dành cho những người sinh toàn con gái khi đã về già, nghĩa là như một khoản trợ cấp xã hội để họ an tâm hơn không phải cố đẻ con trai để “sau này có chỗ dựa”. Tôi hoàn toàn đồng ý với quy định này, bởi đa phần người dân Việt Nam vẫn có tư tưởng cố đẻ con trai, quy định này sẽ tác động góp phần thay đổi nhận thức của họ. Tất nhiên quy định nào cũng sẽ có đối tượng phù hợp, đối tượng chưa phù hợp, nhưng chúng ta nên xét trên bình diện chung chứ không thể chia nhỏ cho phù hợp với tất cả mọi người. Và nếu chỉ riêng quy định này thì sẽ không giải quyết được tất cả vấn đề, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, đặc biệt cần xử phạt thật nặng, thậm chí là phạt tù những trường hợp tiết lộ giới tính thai nhi cũng như thực hiện các dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi.

Chị Đinh Thị Tám (Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ)

Bản thân tôi sinh 2 con gái, và làm kinh tế tự do, không đóng bảo hiểm xã hội. Mặc dù tôi không quan niệm con trai hay con gái, nhưng rõ ràng khi con cái đi lấy chồng thì có muốn cũng khó mà phụng dưỡng được bố mẹ như con trai, vì các cháu còn phải chăm sóc gia đình nhà chồng. Tôi nghĩ nếu sau này về già được hỗ trợ thì chúng tôi sẽ an tâm hơn. 

Chị Nguyễn Thị Hảo (Văn Lâm, Hưng Yên)

Tôi nghĩ tiền không phải là yếu tố cốt lõi giải quyết vấn đề. Như gia đình tôi bố mẹ sinh 3 chị em gái, nhưng kinh tế cũng không đến nỗi khó khăn để Nhà nước phải hỗ trợ. Nhiều gia đình tôi được biết cũng như vậy. Nếu tự nhiên về già với điều kiện kinh tế như bố mẹ chúng tôi mà mỗi tháng phải nhận mấy trăm nghìn tiền hỗ trợ thì như là sự chế nhạo chứ chẳng có gì vinh hạnh. Thế nên, theo tôi việc hỗ trợ, nếu có thì nên tính toán những đối tượng nào cần hỗ trợ, chẳng hạn như vùng miền nào, hoặc gia đình nào muốn hỗ trợ thì họ phải có nguyện vọng, phải có đơn xin hỗ trợ chẳng hạn.

Anh Trần Trọng Điền (Sóc Sơn, Hà Nội)

Dù thực tế là đa phần ở nước ta con gái ít phụng dưỡng cha mẹ hơn con trai, nhưng tiến tới ta phải thay đổi quan điểm này. Đã là con cái phải phụng dưỡng cha mẹ hai bên như nhau. Theo tôi nếu có quy định này, vô hình trung càng hằn sâu thêm tư tưởng con gái không cần phụng dưỡng cha mẹ nhiều mà đã có Nhà nước hỗ trợ rồi, và như thế càng tạo thêm sự bất bình đẳng. Vậy nên nếu Nhà nước có hỗ trợ thì nên có cách hỗ trợ thiết thực hơn như giảm học phí, có những chính sách ưu tiên cho những trẻ gái được sinh ra trong gia đình có con một bề là gái. Như thế vừa khuyến khích các em học hành, phấn đấu để sau này có cơ hội phụng dưỡng cha mẹ.