Hình thành các nhóm trường đại học tuyển sinh chung

ANTĐ - Cùng với việc cho phép các trường tự đưa ra phương án tuyển sinh riêng, Bộ GD-ĐT đặc biệt lưu ý việc tuyển sinh theo nhóm trường cần phải lập đề án cụ thể, quy rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng trường trong nhóm. Đây là hình thức xét tuyển có lợi cho thí sinh và phía tuyển sinh.

Hình thành các nhóm trường đại học tuyển sinh chung ảnh 1Các trường ĐH và thí sinh sẽ bớt vất vả với quy định không nộp hồ sơ ĐKDT trực tiếp

Công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh

Năm 2016, nhóm các trường tuyển sinh chung đầu tiên đã được ĐHQG Hà Nội công bố. Theo đó, kết quả bài thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức sẽ là căn cứ xét tuyển vào 7 đơn vị thành viên thuộc ĐH này cùng 6 trường đại học trong và ngoài công lập khác. Nói về phương thức tuyển sinh theo nhóm, ông Đỗ Hồng Cường - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Thủ đô Hà Nội cho biết, năm nay trường này báo cáo Bộ GD-ĐT vừa tổ chức tuyển sinh theo kỳ thi THPT quốc gia, vừa tổ chức tuyển sinh riêng nhằm chuyển dần phương thức tuyển sinh chung sang phương thức tuyển sinh riêng theo tinh thần tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học.

Cách tuyển sinh này sẽ góp phần đảm bảo chất lượng, phù hợp ngành nghề đào tạo, thực tiễn địa phương và nhu cầu nhân lực xã hội cần. Cũng theo ông Đỗ Hồng Cường, việc sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức sẽ tăng cường tính liên thông, liên kết với các trường đại học trong tuyển sinh, đào tạo của nhà trường.

Với hình thức tuyển sinh theo nhóm trường, dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 của Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH, CĐ, các trường thành viên của ĐHQG, ĐH vùng cần xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh của nhóm. Ngoài ra, đề án cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các trường trong nhóm; phương thức đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh vào các trường trong nhóm. Liên quan đến quyền lợi của thí sinh, dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 của Bộ cũng nêu rõ thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào các trường xét tuyển theo nhóm trường, số ngành đăng ký tối đa trong mỗi đợt xét tuyển thực hiện theo quy định chung.

Theo đó, đợt I, thí sinh chỉ được ĐKXT tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành; thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong đợt xét tuyển. Trong đợt ĐKXT các đợt bổ sung, thí sinh được ĐKXT tối đa vào 3 trường, mỗi trường không quá 2 ngành. Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong từng đợt xét tuyển. Thời gian ĐKXT bắt đầu từ ngày 1-8 đến hết 20-10 đối với hệ ĐH và đến hết 15-11 đối với hệ CĐ. 

Thí sinh không phải đến trường nộp hồ sơ ĐKDT 

Điểm mới được Bộ GD-ĐT bổ sung trong dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay là quy định thí sinh không phải trực tiếp nộp hồ sơ tại trường mình ĐKXT. Phiếu ĐKXT và lệ phí ĐKXT của thí sinh chỉ được gửi về trường qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh hoặc đăng ký trực tuyến. Bộ cũng quy định thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ ĐKXT và hồ sơ đăng ký dự thi. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ ĐKXT và hồ sơ đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 mới ban hành có 12 điểm khác biệt so với năm 2015. Đáng chú ý là các quy định liên quan tới chính sách ưu tiên được sửa đổi nhiều nhất. Theo đó, đối tượng ưu tiên 1 thu hẹp hơn so với trước. Thay vì mọi công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại khu vực (KV) 1 thì năm nay diện này chỉ dành cho những người có hộ khẩu KV đó trong thời gian học THPT và phải trên 18 tháng.

Đối tượng ưu tiên KV2 được quy định lại gồm: Các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc Trung ương (trừ các xã thuộc KV1). Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, trước khi chính thức ban hành quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2016, Bộ GD-ĐT sẽ dành thời hạn 30 ngày kể từ 18-2 để lấy ý kiến đóng góp của xã hội, thí sinh và phụ huynh. 

Bộ GD-ĐT cho biết, căn cứ kết quả thi của thí sinh dự thi lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, Bộ GD-ĐT sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Điểm mới năm nay là riêng đối với trường CĐ, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là tốt nghiệp THPT. Đối với trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, Bộ cũng bỏ quy định điểm sàn với bậc CĐ.