Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Những thông điệp tích cực

ANTD.VN - Sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký chính thức hôm 8-3, việc thúc đẩy thực thi và khai thác CPTPP, cùng với các hiệp định thương mại tự do FTA khác được kỳ vọng sẽ kéo theo những chuyển dịch mới cả về kinh tế và địa chính trị khu vực và thế giới.

Ngày 8-3-2018, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tên gọi mới sau điều chỉnh một số nội dung của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, với 11 thành viên TPP (gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) đã được ký chính thức tại Santiago, Chile. CPTPP sẽ đi vào thực hiện 60 ngày sau khi một nửa số nước tham gia ký hiệp định hoàn tất thủ tục thông qua tại Quốc hội mỗi nước (dự kiến có hiệu lực vào cuối năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019).

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Những thông điệp tích cực ảnh 1Cần tránh sửa quy định quá mạnh so với cam kết để tránh ảnh hưởng đến khả năng xuất nhập khẩu của doanh nghiệp

Hiệp định thương mại tự do toàn diện, chất lượng cao

CPTPP gồm Lời mở đầu và 7 điều khoản (Điều 1- Tích hợp Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Điều 2 - Tạm đình chỉ thực hiện một số điều khoản, Điều 3 - Hiệu lực, Điều 4 - Rút khỏi Hiệp định, Điều 5 - Gia nhập, Điều 6 - Rà soát Hiệp định CPTPP và Điều 7 - Các lời văn xác thực) đồng thời, có Phụ lục Danh mục tạm dừng thi hành một số điều khoản của TPP đã được 12 nước (gồm cả Mỹ) ký kết năm 2016, trong đó có 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ còn lại liên quan tới 7 chương (Chương 1 - Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư; Chương 2 - Thương mại dịch vụ xuyên biên giới; Chương 3 - Dịch vụ Tài chính; Chương 4 - Viễn thông; Chương 5 - Môi trường; Chương 6 - Minh bạch hóa; và Chương 7 - Chống tham nhũng).

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt qua chính mình của 11 thành viên TPP, khẳng định sự đúng đắn và xu hướng tiếp tục của tự do hóa thương mại đầu tư quốc tế sau khi Mỹ tuyên bố rút lui khỏi TPP.

Ngoài ra, Phụ lục này còn điều chỉnh lại nội dung dẫn chiếu liên quan tới thời điểm có hiệu lực cho phù hợp hơn với Hiệp định CPTPP đối với bảo lưu về các biện pháp không tương thích trong dịch vụ và đầu tư của Brunei và bảo lưu về doanh nghiệp Nhà nước của Malaysia.

Cũng như với Hiệp định TPP trước đây, các nước thành viên cũng ký một số Thư trao đổi về liên quan đến các nội dung thuộc quan tâm riêng của mỗi nước trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP.

Là một hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba khu vực hiện nay, được thiết kế toàn diện, chất lượng cao và trên cơ sở tự nguyện, cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước, CPTPP sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho tất cả các nước tham gia.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Cơ hội và kỳ vọng

CPTPP thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; giúp Việt Nam tăng mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn và thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển; gia tăng động lực và tốc độ phát triển kinh tế, cũng như thúc đẩy cải cách thể chế, môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên khi CPTPP mở rộng thành viên. Là thành viên sáng lập, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.

CPTPP thực sự là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt qua chính mình của 11 thành viên TPP, khẳng định sự đúng đắn và xu hướng tiếp tục của tự do hóa thương mại đầu tư quốc tế sau khi Mỹ tuyên bố rút lui khỏi TPP và gia tăng các động thái bảo hộ, gây nhiều quan ngại và sự phản đối trên thế giới, thậm chí ngay trong lòng nước Mỹ. CPTPP gửi đi thông điệp mạnh mẽ về sự cấp thiết và quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh tiến trình toàn cầu hóa còn gặp nhiều khó khăn và sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới.

CPTPP là dạng hiệp định mở, bất cứ nước nào mong muốn tham gia đều được hoan nghênh. Thực tế cho thấy, chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” không phải là một nước Mỹ cô lập, mà luôn cần thu hút đầu tư nước ngoài và khai thác thị trường quốc tế để tiếp tục phát triển và cải thiện việc làm. Tham gia TPP hay CPTPP và thị trường châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn luôn có lợi cho kinh tế và tạo lập đồng minh chiến lược đối với Mỹ.

Bởi vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hơn một lần tuyên bố để ngỏ khả năng tham gia trở lại TPP, dù nhấn mạnh cần điều kiện thương lượng mới có lợi hơn cho Mỹ (tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tháng 1-2018 và tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Australia sau cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 23-2-2018); Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ cũng phát tín hiệu về khả năng quay lại TPP trong bối cảnh mới. Thậm chí, 25 thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa của Mỹ còn ký “tâm thư” kêu gọi Tổng thống quay lại đàm phán TPP. Những động thái Mỹ có thể quay lại TPP và triển vọng tham gia CPTPP của Anh và Hàn Quốc đang dần hiện hữu.

Minh chứng và động lực để thúc đẩy toàn cầu hóa

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Những thông điệp tích cực ảnh 3

“Sự kiện CPTPP được chính thức ký kết đã đánh dấu lần đầu tiên hình thành một khu vực mậu dịch tự do ở châu Á - Thái Bình Dương, điều mà ta đã từng thấy ở một số khu vực khác trên thế giới. Thứ hai, CPTPP là một sân chơi mới của các nước lớn, các nền kinh tế phát triển, trong đó có thể kể đến là Nhật Bản, Australia, Canada, Singapore… Thứ ba, sự hình thành của CPTPP sẽ là một minh chứng cụ thể và động lực tiếp tục thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, chứ toàn cầu hóa không bị dừng lại như nhiều người vẫn nghĩ”.

Ông Nguyễn Đình Lương (nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt  - Mỹ (BTA)

Hiệp định có nhiều ý nghĩa đối với Việt Nam

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Những thông điệp tích cực ảnh 4

“Một là tác động đối với thương mại, đầu tư, dịch vụ trực tiếp. Có thể nó không còn lớn như là khi mà Mỹ tham gia. Một điều rất dễ hiểu vì Mỹ là một đối tác rất quan trọng của Việt Nam, thị trường xuất khẩu hàng đầu, nhà đầu tư lớn ở Việt Nam, và GDP của Mỹ đóng góp 65% trong các nước tham gia vào hiệp định TPP trước đây. Tác động thứ hai, quan trọng và dài hạn hơn đối với Việt Nam, Hiệp định này là chất xúc tác cho quá trình cải cách đặc biệt là cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam. Và cái thứ ba, như chúng ta biết, đây là một sân chơi rộng, có rất nhiều đối tác lớn, đối tác phát triển. Chính vì vậy, bên cạnh tiếp cận thị trường thì Việt Nam không chỉ thu hút đầu tư, mà còn có khả năng học hỏi, hợp tác những điều, những thông lệ, những chuẩn mực tốt”.

Ông Võ Trí Thành (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản trị Kinh tế Trung ương) 

Cùng với lợi ích là sự cạnh tranh gay gắt 

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Những thông điệp tích cực ảnh 5

“Mối lợi chính mà CPTPP đem lại cho Việt Nam là có được quyền tiếp cận thị trường tốt hơn với thuế suất thấp hơn và tiếp cận thị trường Canada, Mexico, Chile, Peru mà Việt Nam không có hiệp định thương mại tự do. CPTPP mang  tính mở, các nước và vùng lãnh thổ khác có thể gia nhập, trong đó có Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Điều này sẽ giúp Việt Nam tiếp cận thị trường tốt hơn, thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, giờ đây, các thành viên CPTPP có quyền tiếp cận ưu đãi đối với thị trường Việt Nam và điều này có nghĩa rằng các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam đối mặt cạnh tranh gay gắt hơn. Để tận dụng được CPTPP, Việt Nam cần tăng tính cạnh tranh các ngành của mình bằng cách tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Quan trọng hơn, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách lao động. Việt Nam phải tiến hành những cải cách này để được công nhận nền kinh tế thị trường đầy đủ để một số nước không còn chèn ép Việt Nam”.

Giáo sư Carlyle Thayer (Đại học New South Wales, Australia)