"Hiện tượng người dân phải 'lót tay' để giải quyết công việc còn phổ biến"

ANTD.VN - "Hiện tượng người dân phải 'lót tay' để giải quyết công việc còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành, trong phạm vi rộng...", Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay.

Sáng 16-11, trước khi bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã nghe Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp.

Theo báo cáo, qua 1.570 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổng hợp được 2.458 kiến nghị có nội dung thuộc tất cả các lĩnh vực của xã hội.

Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tiếp nhận 2.284 kiến nghị (chiếm 92,9% tổng số kiến nghị), trong đó có 1.695 kiến nghị (chiếm 74,2%) được trả lời dưới hình thức cung cấp thông tin cho cử tri, 282 kiến nghị (chiếm 12,4%) được giải quyết xong. Tuy nhiên hiện còn 570 kiến nghị cử tri chưa được các bộ ngành giải quyết, một số kiến nghị đã được trả lời nhưng chưa rõ, không phù hợp thực tiễn nên cử tri lại tiếp tục kiến nghị.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo

Cũng theo báo cáo giám sát, việc giải quyết kiến nghị cử tri phản ánh về tham nhũng, lãng phí còn bất cập, cử tri nhiều tỉnh, thành phố cho rằng, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt đối với nhiều vụ tham nhũng lớn. Tuy nhiên, số vụ việc phát hiện, xử lý còn chưa tương xứng với tình hình mà cử tri phản ánh, xử lý hành chính, kỷ luật nội bộ còn nhiều; nhiều vụ việc tham nhũng được phát hiện do tố cáo của người dân hoặc mâu thuẫn nội bộ mà không phải qua công tác thanh tra, kiểm tra.

"Hiện tượng người dân phải 'lót tay' để giải quyết công việc còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành, trong phạm vi rộng, diễn biến phức tạp", Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hải, cử tri kiến nghị, cần công khai, minh bạch trong thi tuyển công chức, bổ nhiệm cán bộ, quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư và thu phí các dự án BOT. Tuy nhiên, công tác giải quyết kiến nghị về việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong nhiều lĩnh vực còn rất hạn chế.

Theo Trưởng ban Dân nguyện, các kiến nghị cử tri phản ánh những bức xúc về hành vi, thái độ, đạo đức của một số cán bộ xã, phường làm công tác tiếp công dân cũng chưa được Chính phủ giải quyết hiệu quả.

“Còn hiện tượng bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nhưng không đủ trình độ, trách nhiệm như vụ việc xin cấp giấy chứng tử tại phường Văn Miếu (Hà Nội); vụ việc tại xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội); xã Yên Thịnh (Yên Định, Thanh Hóa); xã An Bình (Nam Sách, Hải Dương) khi công dân xin xác nhận lý lịch để đi học, đi làm… Việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cũng chưa thường xuyên, tính đến năm 2017, có tới 45% công chức làm công tác tiếp công dân chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ”, báo cáo chỉ ra.