Hiến kế quy hoạch và phát triển khoa học công nghệ cho Hà Nội

ANTD.VN - Quy hoạch không gian ngầm, thiết kế giao thông ở Hà Nội thế nào để giảm ùn tắc? Cơ chế gì để khai thác được tiềm năng đội ngũ các nhà khoa học sẵn có trên địa bàn?… Đó là những nội dung được nhiều chuyên gia góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVII Đảng bộ Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Đại học 

Quốc gia Hà Nội Phát huy, khai thác tối đa thế mạnh

 Tôi quan tâm đến khâu đột phá thứ 3 của thành phố nhiệm kỳ tới đây được nêu ra trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVII Đảng bộ Hà Nội, đó là “Phát triển nhân lực, thúc đẩy khoa học công nghệ, phát huy giá trị văn hóa”. Ba nhận diện này là đúng, nhưng không hẳn chỉ là phát triển, thúc đẩy và phát huy mà nên được thiết kế theo hướng tận dụng thế mạnh của Thủ đô, không phải phát huy mà cần đột phá trong sử dụng những lợi thế này. Lý do vì nếu như các tỉnh, thành khác phải lo thu hút nhân lực, khoa học công nghệ thì Hà Nội đã có sẵn tiềm lực này rất lớn, vấn đề là cần có chiến lược, cơ chế khai thác và sử dụng hiệu quả hơn. Đây là ưu thế riêng của Thủ đô so với các địa phương. 

GS.TS Tạ Thành Văn - Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội

Đánh giá kỹ đóng góp của đội ngũ trí thức cho Thủ đô

Trong phần thứ nhất của dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố, ở mục 5, 6 của trang 11, 12 về nội dung “phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển khoa học công nghệ” nên điều chỉnh lại một chút. Cụ thể là nên viết kỹ hơn nữa sự đóng góp của đội ngũ trí thức, nhà khoa học trên địa bàn Thủ đô đối với sự phát triển của Thủ đô.

Chúng ta thấy rằng lợi thế của Thủ đô là nơi được thừa hưởng đội ngũ trí thức bậc cao nhất của cả nước, với 46 trường đại học, học viện, 24 trường cao đẳng, có 1.300 giáo sư, phó giáo sư,  3.200 tiến sĩ… Đấy là chưa kể các Viện nghiên cứu, Học viện không thuộc Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội nhưng đóng trên địa bàn Thủ đô.

Bên cạnh đó, cần đưa ra minh chứng cụ thể chứng minh cho kết quả của sự phát triển thị trường khoa học công nghệ cũng như hiệu quả của việc đầu tư cho khoa học công nghệ trong 5 năm qua. Vấn đề này đã được nêu ra trong dự thảo văn kiện nhưng còn chung chung, khái quát. 

Tương tự, về mục 7 (nêu về công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân), Hà Nội là thành phố tập trung mạng lưới, hệ thống cơ sở y tế đầu ngành của Trung ương và thành phố với đội ngũ y bác sĩ hàng đầu. Thế nên, trong dự thảo báo cáo cần phải đánh giá hiệu quả các chính sách của Thủ đô để tận dụng và phát huy những nguồn lực này cũng như cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, Trung ương, đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.

TS. Trần Danh Lợi - Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội

Đừng thiết kế giao thông theo quy trình ngược

Tôi tâm đắc với 3 khâu đột phá của thành phố trong nhiệm kỳ mới 2020-2025 được đề ra trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố và xin góp một số ý kiến, giải pháp thực hiện 3 khâu đột phá này.  

Về quy hoạch, thiết kế đường đô thị, lâu nay chúng ta tồn tại cơ chế là quy hoạch trước, sau đó bàn giao mặt bằng, chỉ giới đường đỏ để các kỹ sư cầu đường căn cứ vào đó mà thiết kế đường trong phạm vi quy hoạch, chỉ giới đường đỏ đã vẽ sẵn. Đây là quy trình ngược, vừa ảnh hưởng đến tính sáng tạo của kỹ sư thiết kế đường, quan trọng hơn là đường làm ra không phát huy đúng chức năng. Nhiều con đường như thế dẫn tới cả mạng lưới đường khai thác thiếu hiệu quả. Tôi đề nghị kỹ sư cầu đường phải được tham gia nghiên cứu, thiết kế đường giao thông ngay từ đầu quy hoạch, đáp ứng tốt nhất chức năng các tuyến đường khi đưa vào khai thác. 

Về vận tải công cộng, hiện nay có rất nhiều nghiên cứu cả trong nước và ngoài nước đã đưa ra những kết quả tương đối phù hợp với nhau, rằng vận tải công cộng của ta hiện mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại của nhân dân. Thế nhưng trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVII của Đảng bộ Hà Nội đề ra mục tiêu đến 2025, vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng được 30-35%. Tôi cho rằng phải xem xét lại phương pháp tính nhu cầu đi lại và các phương án tính bù lỗ cho xe buýt.

Nhiều năm qua, chúng ta vẫn lúng túng trong việc này. Với Hà Nội, vấn đề bây giờ là chúng ta phải tính toán rõ được rằng, căn cứ vào hạ tầng, vào dân số thì cần bao nhiêu xe buýt, bao nhiêu taxi là phù hợp. Hay các tuyến đường sắt đô thị sau khi được làm xong đưa vào vận hành thì sẽ đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu đi lại của nhân dân… Có tính toán chi tiết như vậy thì chúng ta mới giải quyết được bài toán về kinh tế và tính hiệu quả, giảm lãng phí.

Về không gian ngầm sẽ là yếu tố không thể thiếu được khi Hà Nội hướng đến thành phố thông minh, giao thông thông minh. Trên mặt đất, nhất là trong nội đô không còn quỹ đất nữa nên chúng ta không thể không nghĩ đến phát triển không gian ngầm. Chúng ta cần phải sớm hoàn thiện quy hoạch, sau đó kêu gọi đầu tư xã hội hóa để triển khai từng công trình, từng khu vực một để dần dần có được một không gian ngầm ở Thủ đô. 

Về đột phá thứ 3 là đột phá nguồn nhân lực, thành phố cần thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội để kêu gọi “Một tình yêu Hà Nội” bằng cơ chế thu hút sáng kiến, trí tuệ, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng xứng đáng với thương hiệu đã có. Trong đó, cần ưu tiên thu hút nhân tài ở 4 lĩnh vực: Công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, vật liệu mới, hiện đại hóa.