Hiểm họa từ "chuồng cọp" chung cư

ANTD.VN - Vụ hỏa hoạn thảm khốc xảy ra tại quán Karaoke ở 68 phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) chiều 1-11 vừa qua một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tùy tiện lắp đặt biển hộp, lồng sắt, bịt kín mặt tiền của các ngôi nhà. Không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, đây còn là nguyên nhân triệt tiêu phương án thoát nạn khẩn cấp khi xảy ra sự cố cháy nổ…

Tràn lan vi phạm

          Việc lắp đặt lồng sắt (hay còn gọi là chuồng cọp) hiện rất phổ biến tại các chung cư cao tầng. Nếu như vài năm trước, đây được coi là biện pháp tăng diện tích sử dụng cho các căn hộ chật hẹp tại các chung cư cũ thì hiện nay, nó đã trở thành phong trào ở cả những khu đô thị mới, đặc biệt là các chung cư tái định cư. Mặc dù đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, việc cải tạo này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của các công trình, tuy nhiên để ngăn chặn các hộ dân dừng cơi nới xem ra vẫn bất khả thi và rất khó khắc phục.

          Tại các khu tái định cư cao tầng như Đền Lừ (quận Hoàng Mai) hay Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân), chuồng cọp” đã tồn tại từ nhiều năm nay cho dù đây là những tòa nhà cao ngót nghét 20 tầng và đã xuống cấp nặng. Theo khảo sát của phóng viên Báo ANTĐ, khu tái định cư Đền Lừ có 14 tòa nhà thì tất cả đều có tình trạng người dân lắp đặt thêm “chuồng cọp”. trong đó tòa nhà A4 phải được phong danh hiệu quán quân với 135 hộ cơi nới. Bà Phạm Thị H, chủ một căn hộ đang sống tại đây biện minh: “Vì đây là căn hộ tái định cư nên đại đa số diện tích sử dụng đều rất nhỏ. Ví dụ như gia đình tôi có tất cả 6 người nhưng diện tích sử dụng chỉ có hơn 50m2. Đó là tính chung cả diện tích bếp và toilet chứ không phải chỉ riêng diện tích để ở. Vừa rồi, khi cháu lớn lập gia đình, do chưa có điều kiện ra ở riêng nên chúng tôi buộc phải “cải tạo” lại phần ban công thành phòng ngủ để có nơi riêng tư cho các cháu sinh hoạt. Thực ra, việc lắp đặt thêm chuồng cọp là biện pháp cực chẳng đã chứ cũng chẳng tăng thêm được nhiều nhặn gì. Nhưng dù sao có vẫn còn hơn không”.

          Để tăng thêm phần diện tích độ 3m2 này, bà H dùng 6 thanh sắt loại đường ray xe lửa rồi “cấy” ra khoảng không ban công trước mặt, sau đó đổ bê tông lên trên làm nền. Phần tường của căn phòng mới được quây bằng lồng sắt và lắp khung nhôm kính bên trong là xong. Cách thi công này hoàn toàn do các tay thợ vườn nghĩ ra chứ không hề có trong phương án thiết kế của bất cứ kiến trúc sư nào. Cũng không ai dám đảm bảo độ an toàn của phần cơi nới này rằng, nó có thể đổ ụp xuống phía dưới hay không. Tuy nhiên, tình trạng cơi nới của bà Hòa vẫn tồn tại từ nhiều năm nay bất chấp sự có mặt của ban quản lý tòa nhà.

"Chuồng cọp" đeo bám các tòa nhà chung cư Khu TĐC Đền Lừ

          Không giống như bà H, anh Trần Quyết Tiến ở tòa nhà A2 lại lý giải cho việc cơi nới “chuồng cọp” của mình bằng cách biện minh vì sự an toàn của cậu con trai đang học lớp 1: “Gia đình tôi đã nghe rất nhiều đến những vụ tai nạn ngã từ trên cao của trẻ nhỏ khi chúng ra ban công nô đùa. Do không có lồng sắt che chắn nên chỉ cần người lớn sơ ý vài phút là các cháu có thể chạy ra ban công leo trèo và rơi xuống phía dưới. Do đó, để đảm bảo an toàn, cách tốt nhất là quây kín lại, vừa đảm bảo cho trẻ, vừa phòng được mưa hắt và cũng tránh luôn tình trạng bị kẻ trộm xâm nhập từ ban công”.

Sẽ vận động tháo dỡ

          Trao đổi với PV về thực trạng này, ông Trần Văn Riễm - Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ nói: “Thực ra, cách lý giải của bà H hay anh Tiến cũng giống như tất cả các hộ dân của khu thái định cư Đền Lừ chỉ là bao biện. Theo Nghị định 126/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà thì sẽ phạt từ 300 - 500 nghìn đồng đối với một trong những hành vi: Đục phá, cải tạo, cơi nới dưới mọi hình thức; tháo dỡ hoặc làm thay đổi phần kết cấu chịu lực, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị sử dụng chung, kiến trúc bên ngoài của nhà chung cư. Ngoài các hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm; Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Tình trạng cơi nới lắp đặt thêm chuồng cọp tồn tại ở khu tái định cư Đền Lừ đã có từ lâu. Tuy nhiên, khu tái định cư này vẫn do Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý và chưa bàn giao cho địa phương nên việc giám sát vẫn bị buông lỏng”.

Hiện Khu TĐC Đền Lừ có tới 526 hộ đã lắp đặt "chuồng cọp", lồng sắt

          Cũng theo ông Riễm, sau nhiều vụ hỏa hoạn, đặc biệt là hỏa hoạn tại các khu nhà cao tầng thì việc yêu cầu tháo dỡ chuồng cọp để khi có sự cố, lực lượng cứu hộ, cứu nạn dễ tiếp cận đã được đặt ra. Nhưng dù UBND phường Hoàng Văn Thụ đã gửi công văn rất nhiều lần sang Xí nghiệp khai thác quản lý vận hành nhà Hà Nội (đơn vị quản lý khu tái định cư Đền Lừ, trực thuộc Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội) đề nghị phối hợp nhằm giải quyết vấn nạn “chuồng cọp”, nhưng xem ra mọi sự hợp tác vẫn rất hời hợt. “Dù vậy, chúng tôi vẫn kiên quyết ngăn chặn tình trạng này, hiện cả khu tái định cư có tất cả 526 hộ đã cơi nới, lắp đặt thêm lồng sắt và phường đảm bảo sẽ không để phát sinh thêm việc lắp đặt mới. Bên cạnh đó, chúng tôi bắt đầu tiến hành vận động bà con tháo dỡ thông qua tổ dân phố, khu dân cư, đặc biệt là các gia đình cán bộ, Đảng viên. Mặt khác, UBND phường cũng yêu cầu BQL khu tái định cư thông báo ngay nếu phát hiện ra bất cứ hộ nào có ý định cơi nới, cải tạo, lắp đặt thêm lồng sắt. Sau thời gian tiến hành vận động, nếu hộ nào không chịu tháo dỡ thì phường sẽ lập danh sách đề nghị UBND quận có biện pháp xử lý triệt để” - ông Riễm nói.