Hiểm họa mùa hè nơi bãi giữa sông Hồng

(ANTĐ) - Một loạt cái chết thương tâm của thiếu niên, học sinh ngoài khu vực bãi sông Hồng là lời cảnh báo mạnh mẽ về một hiểm họa khôn lường...

Hiểm họa mùa hè nơi bãi giữa sông Hồng

(ANTĐ) - Một loạt cái chết thương tâm của thiếu niên, học sinh ngoài khu vực bãi sông Hồng là lời cảnh báo mạnh mẽ về một hiểm họa khôn lường...

Dọc hai bên bờ sông Hồng, đoạn chảy qua địa phận Hà Nội có rất nhiều bãi cát, bãi đá là nơi tụ tập vui chơi, tắm mát của học sinh, thanh niên Thủ đô trong những ngày hè nóng nực. Các bãi cát, bãi đá đó cũng chất chứa bao mối nguy hiểm rình rập và có thể cướp đi tính mạng con người bất cứ lúc nào. Liên tiếp những vụ tử nạn mà gần đây nhất là cái chết thương tâm của 2 học sinh trường THPT Lê Quý Đôn tại bãi đá Nhật Tân (ngày 8-5) đã gióng lên lời cảnh báo đến tất cả mọi người, thế nhưng...

Tại bãi đá “tử thần”

Trẻ không nên chơi đùa ở bãi cát ven sông. (Ảnh có tính minh họa)
      Trẻ không nên chơi đùa ở bãi cát ven sông.        (Ảnh có tính minh họa)

Đến bãi đá Nhật Tân sau khi xảy ra cái chết thương tâm của 2 học sinh phổ thông, dư âm buồn đau vẫn còn đọng lại rõ nét trong trí nhớ của người dân nơi đây. Họ kể lại 5 cái chết trong chưa đầy hai tháng qua. Nhưng khi câu chuyện còn dang dở thì tiếng cười đùa khúc khích của học sinh đã vọng đến ngay phía sau lưng. Từ con đường mòn, một tốp học sinh khoảng gần 20 em cả nam lẫn nữ đang tung tăng kéo xuống bãi sông “tử thần”. Qua cây cầu treo mới được dựng lại (đã bị dỡ bỏ sau khi hai học sinh tử nạn) nhóm học sinh này tràn qua bãi đá giữa sông rồi chạy đuổi, nô đùa ngay mép nước, một số em còn lội cả xuống để chụp ảnh, không hề biết có bao mối nguy hiểm rình rập dưới chân.

Một thanh niên chép miệng: “Bọn trẻ bây giờ có biết sợ là gì. Ngay hai hôm sau vụ tai nạn ngày 8-5, nhiều tốp, nhóm học sinh ở các trường trong phố lại kéo về đây ầm ầm. Chúng tôi cấm các em không được lội xuống nước, nhưng tuổi trẻ hiếu động, ai mà quản được”.

Được biết hai lán bán hàng ở bãi đá này đã bị phá bỏ mấy hôm trước, nhưng vẫn có người bày thuốc, nước tại đây để “phục vụ khách hàng”.

Làm quen với một tốp học sinh nữa đang tiến ra bãi cát, biết các em là học sinh trường THPT, đều có nghe nói về hai học sinh mới tử nạn tại đây, nhưng “đi đông sợ gì” (VA, học sinh nữ). Một học sinh khác thì hồn nhiên: “Ra chơi để xem bãi đá này đẹp và nguy hiểm đến đâu mà bạn bè kháo nhau nhiều vậy”. Phải chăng đó là lý do khiến nhiều học sinh, thanh niên vẫn ồ ạt kéo nhau tới đây để vui chơi, tắm mát bất chấp mọi lời cảnh báo, khuyên ngăn?

Những “điểm đen” dọc sông Hồng

Ngược lên các bãi cát, bãi đá khá đẹp khác ở phường Yên Phụ, Phú Thượng, chúng tôi đều chứng kiến những nhóm bạn trẻ kéo ra bờ sông chơi đùa. Tại bờ sông khu vực Bến Bạc (phường Phú Thượng) có một tốp nữ sinh đang lội ra sông để chụp ảnh, té nước, đuổi bắt nhau. Một em cho biết: “Mấy đứa bọn em đều có sở thích ra sông chơi nên cuối tuần nào cũng đi, khu vực bờ sông này bọn em thuộc làu rồi nên chẳng có gì đáng sợ”. Các em không ý thức được hết sự nguy hiểm của các bãi cát, bãi đá ven sông, đặc biệt là khi nước lên, những bãi cát ngập sâu trong nước, không thể phát hiện được chỗ nông, chỗ sâu, chỗ nước xiết tạo thành các vùng nước xoáy hết sức nguy hiểm.

Chị Nguyễn Hồng Liên ở Bến Bạc kể: Khu vực này có bờ sông đẹp nhưng nước rất sâu, năm nào cũng có người chết hoặc xác chết từ nơi khác trôi về. Chị Minh Nguyệt nói thêm: Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy có các em học sinh, sinh viên ở nơi khác đến chơi, tắm, chủ yếu là học sinh trong phố thôi, còn trẻ em và người dân ở đây thì không có ai tắm cả vì họ đã chứng kiến nhiều cảnh thương tâm và cũng vì người ven sông hiểu rõ, đầu hè là mùa nước cạn, không lưu thông nên rất bẩn...

ở khu vực bờ sông chảy qua các phường Tứ Liên, Phúc Tân, Phúc Xá, Bạch Đằng do đặc thù bờ sông dốc, có nhiều hố sâu nên cực kỳ nguy hiểm. Dù ít người tìm đến tắm mát, chơi đùa hơn nhưng thỉnh thoảng vẫn có người chết đuối tại các bãi sông này.

Làm gì để bớt những cái chết thương tâm?

Nhu cầu tắm mát, vui chơi giải trí của thanh niên, học sinh thành phố trong dịp hè là rất lớn, và tìm đến các bãi sông thơ mộng ngập tràn nắng gió, lại hoang sơ, yên tĩnh dường như đang trở thành mốt, thành một cái thú vui của tuổi trẻ. Những trò giải trí luôn tiềm ẩn nguy hiểm, thậm chí tính mạng con người luôn bị rình rập như vậy thì các cấp chính quyền địa phương không thể thờ ơ mãi. Cần phải có các biện pháp triệt để, phải cảnh báo để hạn chế, thậm chí là ngăn cấm người đến các khu vực bãi sông, bãi đá nguy hiểm.

Lãnh đạo UBND phường Nhật Tân, nơi có bãi đá nguy hiểm đã xử lý cưỡng chế lều quán, cót quây trông xe trên bãi, đặc biệt là đào hào ngăn không cho xe máy ra bãi, tuy nhiên những biện pháp ấy chỉ mang tính chất nhất thời. Hơn nữa sau vụ tử nạn của hai học sinh, vẫn chưa có một đường hào nào được đào, cây cầu sang bãi đá vẫn không bị phá và quán nước vẫn “hoạt động”. Và vẫn chưa có thêm một biển cảnh báo hay biển cấm nào.

Mùa nghỉ hè sắp đến, cũng là mùa học sinh tìm đến các thú vui chơi, giải trí, vì vậy ngay từ bây giờ các nhà trường, các gia đình và các cấp chính quyền địa phương nơi có bờ sông chảy qua cần phải có biện pháp tuyên truyền, kế hoạch chỉ đạo để quản lý học sinh trong dịp hè. Phải thường xuyên cảnh báo về sự nguy hiểm của các bãi cát, bãi đá ven sông để các em có ý thức.

Tiến Hưng