"Hết thuốc chữa" vì lạm dụng kháng sinh

ANTĐ - Theo Luật dược hiện hành, bán thuốc kê đơn không có đơn thuốc là một trong 13 hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên theo cơ quan chức năng thì với hệ thống 30.000 nhà thuốc trên cả nước thì khó mà kiểm soát được tình trạng bán thuốc không cần đơn. Sự thiếu hiểu biết của người dân, sự hám lợi của các nhà thuốc cộng với sự thiếu kiểm soát của cơ quan chức năng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh lan rộng trong cộng đồng.
"Hết thuốc chữa" vì lạm dụng kháng sinh ảnh 1

Theo kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc được ông Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh công bố, cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn.

Có tới 24% hiệu thuốc ở thành thị và gần 30% hiệu thuốc ở nông thôn có bán đơn thuốc kê kháng sinh. Phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn với 88% ở thành thị và 91% ở nông thôn. Triệu chứng bệnh thường được tự ý mua kháng sinh nhất là ho 31,6% và sốt 21,7%. Người dân thường yêu cầu được bán kháng sinh mà không có đơn 49,7% (thành thị) và 28,2% (nông thôn).

Cùng với tình trạng tồn dư kháng sinh trong thịt động vật và nhiễm khuẩn bệnh viện, đây là những nguyên nhân chính dẫn tới kháng thuốc lan rộng trong các cơ sở y tế và cộng đồng. PGS TS Nguyễn Vũ Trung - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết có rất nhiều bệnh nhân mặc dù dùng kháng sinh điều trị nhưng tình trạng nhiễm khuẩn vẫn không được cải thiện, vi khuẩn vẫn tồn tại và phát triển. Nếu vi khuẩn đề kháng với nhiều loại kháng sinh hiện có, bệnh nhân có thể bị tử vong do thất bại điều trị. Nhiều vi khuẩn ecoli cũng đang phát triển gây nên tình trạng kháng kháng sinh.

Số liệu thống kê toàn cầu từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ bệnh nhân kháng kháng sinh ngày càng tăng, có năm lên tới 22%, trong khi con số này trước đó chỉ là 5% trên toàn cầu. Nếu vi khuẩn kháng kháng sinh tiếp tục phát triển với tốc độ như hiện nay, vào năm 2050, khoảng 10 triệu người trên thế giới có thể tử vong mỗi năm vì kháng thuốc; thậm chí sẽ vượt cả số nạn nhân tử vong vì ung thư.

Bộ Y tế đã có một kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc đến năm 2020, trong đó có nhiều hoạt động nhằm phòng chống kháng thuốc được đề cập như: sử dụng kháng sinh hợp lý trong trồng trọt, chăn nuôi; kiểm soát nhiễm khuẩn; sử dụng thuốc hợp lý; giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc…

Tuy nhiên, nếu thiếu cơ chế kiểm soát, giám sát, xử phạt nghiêm minh thì những giải pháp đưa ra cũng khó mà mang lại hiệu quả. Đã đến lúc cần kiểm soát chặt chẽ, chẳng hạn như số lượng thuốc nhập vào, bán ra, số đơn thuốc lưu lại tại nhà thuốc… nếu chúng ta không muốn một tương lai gần hàng chục triệu bệnh nhân sẽ “hết thuốc chữa” khi mắc bệnh.

Khi nào cần dùng kháng sinh

Nhiễm trùng tai

Thuốc kháng sinh chỉ cần dùng ngay lập tức cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở xuống bị đau tai, trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi với các triệu chứng đau tai từ nhẹ tới nặng và trẻ từ 2 tuổi trở lên với các triệu chứng nghiêm trọng, bao gồm sốt cao trên 38,5 độ và ói mửa, không khỏi trong vòng 2-3 ngày hoặc nếu có mủ chảy ra ở tai.

Đau mắt

Khi mắt nhiễm trùng nhẹ, cảm giác khó chịu có thể điều trị với thuốc kháng khuẩn như Brolene Eye Drops và GoldenEye có chứa isetionate propamidine. Thay vì giết chết các vi khuẩn, các thuốc này làm chậm sự tăng trưởng, cho phép cơ thể chống lại nhiễm trùng. Khi mắt có biểu hiện đau nặng, xuất hiện dấu hiệu của viêm kết mạc do vi khuẩn thì việc dùng thuốc nhỏ mắt kháng sinh là cần thiết. 

Nhiễm trùng đường hô hấp

Cảm lạnh, cảm cúm và hầu hết các trường hợp ho cũng như viêm phế quản là do virus gây ra và không cần chữa bằng kháng sinh. Khi có các triệu chứng như sốt cao hơn 38,5 độ, khó thở, đau đầu, ho ra đờm... có thể là triệu chứng của viêm phổi. Không giống như viêm phế quản, viêm phổi có thể được gây ra bởi vi khuẩn và kháng sinh thường là cần thiết. Nếu ho ra máu hoặc có ho dai dẳng trong hơn 3 tuần, bạn phải gặp
bác sĩ.

Nhiễm trùng xoang

Bệnh viêm xoang thường do virus gây ra thường tự hết trong một tuần hoặc hơn dù không được chữa trị. Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi các triệu chứng viêm xoang nghiêm trọng, không cải thiện sau 10 ngày hoặc khá hơn rồi lại trầm trọng hơn.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nếu các bệnh nhân không bộc lộ triệu chứng, thuốc kháng sinh sẽ không giúp ích. Việc dùng kháng sinh chỉ cần thiết nếu bạn có các triệu chứng nóng rát trong khi tiểu tiện và có nhu cầu tiểu tiện quá thường xuyên.