Hầu hết TTYTDP không có khả năng xét nghiệm đủ chỉ tiêu nước sinh hoạt

ANTĐ -Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo rà soát và đánh giá tiêu chuẩn hiện hành về chất lượng nước, do Bộ Y tế, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường tổ chức sáng nay, 16-6.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, mỗi năm toàn cầu có khoảng 1,8 triệu người chết vì bệnh tiêu chảy do các nguyên nhân liên quan đến nguồn nước. Tại Việt Nam, TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường – Bộ Y tế cho biết, hiện vấn đề cung cấp nước sạch cho người dân vẫn còn rất nhiều khó khăn. Thống kê cho thấy mới chỉ 80% dân số đô thị được cấp nước sạch và 85% dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Đáng chú ý, thời gian qua Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đã nhận được nhiều phản ánh của các Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) cấp tỉnh, các đơn vị cấp nước về những khó khăn trong giám sát, kiểm định chất lượng nước sinh hoạt. Cụ thể, việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng nước hiện nay rất khó triển khai, thậm chí một số chỉ tiêu không thể áp dụng được trong điều kiện của nước ta.
Hầu hết TTYTDP không có khả năng xét nghiệm đủ chỉ tiêu nước sinh hoạt ảnh 1Rất ít TTYTDP tỉnh đủ năng lực xét nghiệm được hết các chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ThS Lê Thái Hà, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết, quy chuẩn kỹ thuật QCVN 01:2009/BYT quy định về chất lượng nước được Bộ Y tế ban hành năm 2009 với 109 chỉ tiêu. Tuy nhiên, qua rà soát và khảo sát cho thấy, việc áp dụng 109 chỉ tiêu chất lượng nước ăn uống cho tất cả các vùng trên cả nước chưa thật sự phù hợp với năng lực thực tế của từng địa phương.

“Hiện phương pháp kiểm tra, giám sát của TTYTDP các địa phương, các công ty cấp nước chủ yếu tập trung vào kiểm tra chất lượng nước cuối đường ống (tại các hộ gia đình) nên việc áp dụng QCVN không khả thi. Hầu hết không có đủ năng lực để phân tích toàn bộ 109 chỉ tiêu nước, đặc biệt là các chỉ tiêu nhóm B và C. Ngoài ra, trong QCVN 01, việc phân nhóm các chỉ tiêu cảm quan cũng chưa phù hợp khiến quá trình thực hiện không khả thi” – ThS Lê Thái Hà nói.

Một điểm đáng chú ý nữa là nếu như QCVN 01 (được xem là quy chuẩn nước cho khu vực đô thị) đưa ra các chỉ tiêu quá chặt chẽ như trên thì QCVN 02 (áp dụng chủ yếu cho khu vực nông thôn) lại đưa ra những chỉ tiêu quá đơn giản và quá ít, chưa tương ứng với yêu cầu kiểm soát chất lượng nước ăn uống. Do vậy, các chuyên gia đề xuất QCVN 02 chỉ nên áp dụng đối với các hộ gia đình tự khai thác nguồn nước nhưng khuyến khích họ chủ động kiểm tra chất lượng nước của mình theo QCVN 01.