Hành trình về nguồn của cán bộ chiến sĩ Công an Thủ đô

ANTD.VN - Quảng Trị tháng 5, những lời tri ân của các cán bộ chiến sỹ Công an Thủ đô dường như đã hòa vào đất trời, cỏ cây, hoa lá nơi đây. Những nén tâm nhang, những ngọn hoa đăng trên được thả trôi xuôi dòng sông Thạch Hãn mang theo niềm tự hào và lời hứa của cán bộ chiến sỹ Công an Thủ đô nguyện tiếp bước theo truyền thống anh hùng...

Đoàn đại biểu các thân nhân liệt sĩ, thương binh, thanh niên, phụ nữ tiêu biểu CATP Hà Nội dâng hương, báo công tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn

Ngày 19-5, nhân dịp sinh nhật lần thứ 127 Chủ tịch Hồ Chí Minh; cũng là dịp đồng bào và chiến sỹ cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, 75 cán bộ, chiến sỹ là thân nhân liệt sỹ, thương binh, thanh niên, phụ nữ tiêu biểu CATP Hà Nội đã đến Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 (Quảng Trị) để thành kính dâng lên Bác, các anh hùng liệt sỹ những nén tâm hương bảy tỏ lòng biết ơn vô hạn và báo công dâng Bác. Đây là một trong 18 hoạt động sẽ được CATP triển khai trong dịp hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ.

Ký ức hào hùng

Tại nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, dâng nén hương thơm lên cha mình là Liệt sỹ Phạm Hồng Thịnh, hi sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1971, Trung tá Phạm Hồng Thanh (Công an Quận Nam Từ Liêm) xúc động kể lại: Bố tôi khi vừa tròn 20 tuổi đã tình nguyện nhập ngũ lên đường chiến đấu theo tiếng gọi của non sông.

Tại mặt trận đường 9 - Khe Sanh ông đã hi sinh anh dũng để lại người vợ trẻ và đứa con thơ 3 tuổi là Trung tá Phạm Hồng Thanh bây giờ.

Ở chiến trường những năm tháng khốc liệt bậc nhất ấy, ông vẫn gửi thư về cho vợ với lời dặn  dò như mối dự cảm: “Chiến tranh khốc liệt, anh có thể sẽ không trở về. Em hãy cố nuôi dạy con lên người ”.

Khi cha hi sinh, hình ảnh người mẹ khóc thầm lặng lẽ và sự tần tảo nuôi dạy con đã khắc ghi vào lòng cậu bé Phạm Hồng Thanh. Tiếp bước cha, Phạm Hồng Thanh đã trưởng thành, chiến đấu, phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân. Hiện nay, anh đang đảm nhiệm chức vụ Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ của Công an quận Nam Từ Liêm. “Hình ảnh của cha tôi và những lời dặn dò luôn đi cùng với cuộc đời tôi để tôi luôn vững bước”, Trung tá Phạm Hồng Thanh rưng rưng nói.

Sau cơn mưa buổi sáng, khu Thành cổ Quảng Trị xanh mướt mát một màu. Một màu xanh trải rộng đến nao lòng khiến đoàn công tác Công an Thủ đô như nghẹn lời trước mảnh đất đau thương mà cũng rất đỗi kiêu hùng này. Ngắm khung cảnh đất trời bao la, giữa cái gió vờn nắng tỏa, thật khó có thể hình dung nơi đây đã từng diễn ra trận chiến đấu quyết liệt kéo dài suốt 81 ngày đêm, hứng chịu hơn 300 nghìn tấn bom do giặc Mỹ ném dội. Hàng vạn người lính đã anh dũng hy sinh, nằm lại mãi mãi nơi này.

“Có tuổi đôi mươi trẻ trung phơi phới, gửi lại nơi chiến trường bao ước mộng còn dở dang. Có những lá thư tình chưa kịp gửi trao... Tất cả đã dệt nên một khúc tráng ca về ý chí, lòng quả cảm, về vẻ đẹp bất tử. Đó là tấm gương về chủ nghĩa anh hùng để tuổi trẻ Công an Thủ đô noi theo”, Thượng úy Bùi Mạnh Hùng, Bí thư Đoàn CATP Hà Nội xúc động chia sẻ.

Trung tá Phạm Hồng Thanh (Công an Quận Nam Từ Liêm) thắp nén hương cho cha mình là liệt sỹ Phạm Hồng Thịnh, hi sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1971, Hiện mộ phần liệt sỹ đang năm ở Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Quảng Trị

Sau 9 hồi chuông thỉnh nguyện, đoàn đại biểu Công an TP Hà Nội đã thành kính dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ ở Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9. Đàn bồ câu trắng tung bay bên tượng đài Tổ quốc ghi công. Trung tá Phùng Tuấn Phát (Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội), thương binh  tỷ lệ thương tật 65% (một trong những thương binh nặng nhất của CATP Hà Nội) chia sẻ cảm xúc của mình trước hàng dài những ngội mộ ở Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9: “Tôi thấy mình thật nhỏ bé. Ở đây có bao nhiêu ngôi mộ gió, bao nhiêu nấm mồ vô danh chưa được trở về với mảnh đất quê hương. Nhiều anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống mảnh đất này mà ngày nay chúng ta chưa tìm hết được thân xác cũng như họ tên. Cảm xúc thật khó tả, chỉ biết thật tự hào”.

Cán bộ, chiên sỹ Công an Thủ đô dâng nén hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn

Tiếp bước truyền thống anh hùng                                      

Quảng Trị là dải đất miền Trung với cát trắng trải dài, mùa nắng có cơn gió Lào hanh hao, cháy da rát thịt. Da chưa hết đỏ đã tới mùa mưa, chưa kịp làm gì thì lại gồng mình đón lũ. Quảng Trị còn là địa danh lịch sử với cây cầu dài chưa tới 200 mét mà cả dân tộc phải đi ròng rã trong suốt 21 năm dài, bằng máu, bằng nước mắt, bằng cả tuổi thanh xuân. Quảng Trị cũng là quê hương vĩnh viễn của hàng nghìn người con khắp mọi miền Tổ quốc đã anh dũng hi sinh vì đất nước.

Mỗi năm từ tháng 3, tháng 4, cái tên Quảng Trị được cả nước nhắc đến nhiều hơn. Biết bao chương trình nghệ thuật, phim tài liệu, phóng sự, hình ảnh, bài viết đề cập đến mảnh đất của máu và hoa… Và hôm nay, những con người đại diện cho lực lượng Công an Thủ đô Hà Nội cũng tự hào trở về đây để để thắp những nén hương tưởng nhớ công lao to lớn của Bác Hồ cũng như các anh hùng liệt sỹ. Đó là những người con đến thăm ông, thăm cha, thăm chú, thăm bác... Họ cũng những thương binh Công an vẫn ngày đêm chiến đấu vì sự bình yên phục vụ nhân dân.

Trong không khí thiêng liêng, đoàn đại biểu CATP Hà Nội đã làm lễ dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.

Báo cáo trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tá Trần Hải Quân, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, CATP, Trưởng đoàn công tác cho biết: Trải qua 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, 333 người con ưu tú của Công an Thủ đô đã ngã xuống trên khắp các chiến trường, qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, hàng nghìn đồng chí khác vẫn mang thương tích trên người.

Với nghị lực sống, thương binh tàn nhưng không phế, các đồng chí thương binh, thân nhân liệt sỹ CATP Hà Nội đã vượt qua nỗi đau mất mát, nỗ lực rèn luyện, công tác và chiến đấu, trở thành tấm gương sáng cho mọi cán bộ, chiến sỹ , nhất là thế hệ trẻ học tập noi theo. Nhiều đồng chí đã phấn đấu, trưởng thành và giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt các đơn vị.

Đàn chim bồ câu bay về lúc đoàn đại biểu Công an Thành phố thành kính dâng hương tại nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9

Đại tá Trần Hải Quân, Trưởng đoàn đại biểu cho biết thêm, ghi nhớ lời Bác dạy, CATP Hà Nội luôn tăng cường, đẩy mạnh, công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công, và công tác đền ơn đáp nghĩa.

Qua hoạt động CATP đã tổ chức xây dựng, sửa chữa 80 nhà tình nghĩa, tình thương tặng thương binh, thân nhân liệt sỹ, mẹ Việt Nam anh hùng; khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí các đối tượng chính sách, tặng quà bà con dân tộc, người nghèo; hàng nghìn lượt đoàn viên hiến máu tình nguyện; ủng hộ đồng bào chiến sỹ tại huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa... “Lực lượng Công an Thủ đô nguyện ghi mãi những lời Bác dặn, học tập và chiến đấu theo gương Người, không ngại hi sinh vì sự bình yên của Thủ đô thân yêu”, Đại tá Trần Hải Quân hứa trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dòng sông Thạch Hãn hôm nay xanh trong hiền hòa, Quảng Trị cũng đã thay da đổi thịt. Những con thuyền vẫn nhẹ nhàng xuôi ngược. Và đâu đây văng vẳng câu thơ xúc động, nghẹn ngào: “Đò lên Thạch Hãn… ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm".