Hành động khẩn cấp để ngăn chặn phế liệu tràn vào Việt Nam

ANTD.VN - Sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng gia tăng mạnh, diễn biến phức tạp, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống, gây bức xúc trong dư luận. 

Hành động khẩn cấp để ngăn chặn phế liệu tràn vào Việt Nam ảnh 1Việc quản lý lỏng lẻo và chồng chéo suốt thời gian dài dẫn đến hàng nghìn container phế liệu tồn đọng tại các cảng chưa thể xử lý

Nhập nhiều phế liệu là kéo lùi sản xuất

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2016, kim ngạch nhập khẩu phế liệu nhựa, giấy và sắt thép là khoảng 4,6 triệu tấn. Tới năm 2017, mặt hàng này đã gia tăng tới hơn 6,5 triệu tấn. Đặc biệt, chỉ 6 tháng đầu năm 2018, đã có tới hơn 4 triệu tấn nhựa, giấy và sắt thép phế liệu về Việt Nam, tức là gần bằng số liệu cả năm 2016 và khoảng gần 2/3 lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017.

Đáng nói, theo Tổng cục Hải quan, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan. Điều này dẫn đến tình trạng có một lượng lớn các loại phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam. Số liệu rà soát cho thấy, riêng số container tồn tại cảng Cát Lái, TP.HCM tính đến ngày 25-7 đã là 3.579 container. Phần lớn trong số này là các container đã tồn quá 90 ngày (2.323 container). Còn tại cảng Hải Phòng, số liệu tính tới ngày 5-7 là 1.485 container với 853 container tồn quá 90 ngày.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có biện pháp ngăn chặn tốt hơn nữa tình trạng nhập phế liệu, nhất là số phế liệu nhập về đang tồn đọng tại các cảng hiện nay. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, các địa phương, các bộ liên quan xử lý tiêu hủy, di dời các container phế liệu tồn đọng tại các cảng biển.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu điều tra, xử lý, truy đến cùng các container phế liệu đã vào Việt Nam mà không có người nhận, chiếm không gian lớn tại các cảng; Làm rõ nguyên nhân, khởi tố một số vụ vi phạm luật môi trường, nhập phế liệu trái phép vào Việt Nam để răn đe; Rà soát lại tất cả các giấy phép còn hạn ngạch, không cấp mới giấy phép doanh nghiệp nhập phế liệu.

Theo người đứng đầu Chính phủ, nhập nhiều rác thải là kéo lùi sản xuất, đi lệch định hướng phát triển, đi ngược mục tiêu nâng cấp nền sản xuất của Việt Nam và gây nguy hại đến môi trường sống của người dân. Do đó, Chính phủ rất cương quyết với vấn đề này.

Phát hiện nhiều vi phạm

Để siết chặt việc nhập khẩu phế liệu, theo ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, đơn vị này đã chỉ đạo các cơ quan hải quan địa phương, các đơn vị nghiệp vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn cơ quan hải quan địa phương thực hiện các biện pháp siết chặt phế liệu nhập khẩu. Trong đó có biện pháp ngăn chặn từ xa khi hàng hóa vẫn còn trên tàu, chưa dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa là chất thải, phế liệu không đáp ứng điều kiện, quy chuẩn môi trường vào lãnh thổ, trên cơ sở rà soát, phân tích thông tin hàng hóa khai báo trên bản lược khai hàng hóa (manifest). 

Đối với hàng hóa là phế liệu thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất nhưng chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường thì cơ quan hải quan xác định không đủ cơ sở để xem xét thông quan. Theo đại diện Tổng cục Hải quan, nhờ vậy bước đầu cơ quan này đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp có hành vi gian lận, nhập khẩu phế liệu không đáp ứng về điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật. 

Còn ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan này đã tập trung vào đấu tranh làm rõ nhiều hành vi vi phạm như: làm giả giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu, sửa chữa thời gian thực hiện, khối lượng, chủng loại phế liệu được xác nhận nhập khẩu; làm giả, sửa chữa thông báo nhập khẩu phế liệu của các cơ quan có thẩm quyền.

Vụ việc điển hình về sai phạm trong nhập lậu phế liệu vào Việt Nam gần đây được cơ quan hải quan phát hiện là trường hợp của Công ty Đức Đạt. Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã tiếp nhận tổng số 635 tờ khai nhập khẩu nhựa phế liệu của Công ty Đức Đạt.

Điều đáng nói, Công ty Đức Đạt đã sử dụng các bản sao giấy chứng nhận và bản sao thông báo việc nhập khẩu phế liệu do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình cấp cho tất cả số phế liệu nhập khẩu về các cảng Hải Phòng; cảng Cái Mép, Bà Rịa - Vũng Tàu; cảng Sài Gòn khu vực 1 và cảng Sài Gòn khu vực 3. Cơ quan hải quan đã chứng minh, hơn 1.000 bộ hồ sơ nhập khẩu nhựa phế liệu, doanh nghiệp này chỉ sử dụng một giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình cấp. 

Căn cứ kết quả điều tra xác minh và những chứng cứ, tài liệu đã thu thập được ngày 17-7-2018, cơ quan hải quan đã khởi tố Công ty Đức Đạt về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ hành vi sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu… Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng cho biết, đang tiếp tục thu thập tài liệu, điều tra một số doanh nghiệp khác có dấu hiệu tương tự Công ty Đức Đạt.

Khó nhiều bề

Trước tình trạng ùn ứ phế liệu tại các cảng biển, một số hãng tàu, đại lý hãng tàu, doanh nghiệp kinh doanh cảng đã chủ động thông báo ngừng tiếp nhận phế liệu. Điều này đã giúp giảm đáng kể lượng phế liệu tồn đọng. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp lại tìm đủ các “chiêu” để lách.

Trong khi đó, đại diện các hãng tàu cũng cho mình là nạn nhân bởi không có quyền kiểm tra hàng hóa vận chuyển, không biết bên trong các  container chứa hàng gì mà chỉ dựa trên khai báo của doanh nghiệp nhập khẩu. Khi về tới Việt Nam bị phát hiện, các doanh nghiệp nhập khẩu “bỏ của chạy lấy người” khiến cả doanh nghiệp cảng lẫn hãng tàu đều chịu thiệt hại nặng do thời gian lưu container lâu, ách tắc cảng, kinh phí xử lý…

Mặc dù vậy, ông Nhữ Đình Thiện, Ban Thư ký Hiệp hội đại lý và Môi giới vận tải lại cho rằng, hãng tàu không phải nạn nhân. “Anh xếp hàng lên tàu anh phải biết được hàng hóa anh vận chuyển là gì, chứ không thể nói là nạn nhân không biết được hàng mình vận chuyển”.

Do vậy, theo ông Nhữ Đình Thiện, cần kiên quyết trả về nơi xếp hàng đối với những hàng hóa không đạt yêu cầu nhập khẩu. Hiện đã có luật quy định trục xuất hàng hóa nhưng lại chưa có biện pháp chế tài, vì vậy, sau sự việc lần này cần có quy định cụ thể về chế tài xử lý.

Theo đại diện các doanh nghiệp cảng và hãng tàu, hiện vẫn còn quá nhiều đơn vị quản lý việc nhập khẩu phế liệu, quy trình xử lý còn nhiều vướng mắc, tốn thời gian nên cần phải quy về một mối, phải có một “nhạc trưởng” để xử lý việc này cũng như việc cấp bách thành lập chính quyền cảng. Hiện, nguyên nhân chính dẫn đến việc tồn đọng lượng lớn            container hàng phế liệu là do vướng mắc giữa các bộ, ngành liên quan, thời gian xử lý hàng tồn quá lâu và việc quản lý cấp phép nhập phế liệu vẫn còn buông lỏng.

Trong khi đó, việc nhập thông tin các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu lên cổng thông tin một cửa quốc gia vẫn chưa được thực hiện, do đó gây khó cho cơ quan hải quan trong việc phát hiện doanh nghiệp nào chưa được ngành tài nguyên và môi trường cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về môi trường trong nhập khẩu phế liệu.

“Sau khi có lệnh ngưng tiếp nhận hàng hóa phế liệu của doanh nghiệp kinh doanh cảng và của cơ quan hải quan, đã có một số hãng tàu tìm cách “lách” luật. Các doanh nghiệp nhập khẩu khi gửi hồ sơ nhập khẩu cho cơ quan hải quan thì khai là phế liệu nhưng gửi cho các hãng tàu, cảng biển thì là một danh sách dài lê thê, không biết đâu là hàng phế liệu nhằm che giấu hàng hóa của mình để được bốc xếp lên cảng”. 

Ông Nguyễn Phương Nam (Giám đốc Trung tâm điều độ, Công ty  Tân Cảng Sài Gòn)