Hành dân giữa mùa mưa bão

ANTĐ - Đang giữa mùa mưa bão nhưng nhiều tuyến đường trên địa bàn Hà Nội thời điểm này vẫn bị đào bới xới hè, khiến đường phố đã nhếch nhác, càng thảm hại hơn.

Phố Bạch Mai ngổn ngang vì đào đường

Đào xới không thương tiếc

Dù đang mùa mưa bão, nhưng nhiều đơn vị vẫn tiếp tục đào đường, xới hè để triển khai dự án. Đẹp đẽ chưa thấy đâu, chỉ thấy cảnh bẩn thỉu, bừa bộn, mặt đường lồi lên lõm xuống vì việc bồi hoàn mặt đường được thực hiện qua loa, đại khái. 

Đến phố Bạch Mai vào thời điểm này, đâu đâu cũng nhận được sự bức xúc của người dân sinh sống hai bên đường. Số là, đang mùa mưa gió ầm ầm, nhưng dự án thi công cùng lúc cày nát hai bên đường. Chưa đã, công trình thi công ẩu, chất thải, những hố ga được đắp đậy qua loa vô tình thành những vật cản chình ình trên tuyến phố. Những đầu đấu nối viễn thông, điện nằm chỏng chơ trên vỉa hè. Dưới đường thì đào bới, vỉa hè cũng được xới lên để thi công. Thành thử bộ mặt con phố luôn bừa bộn.

Chị Hoa, một người dân sinh sống trên phố Bạch Mai bức xúc: “Mùa mưa bão lẽ ra họ phải hạn chế đào bới, nhưng, dường như, họ chỉ biết làm cho xong việc của mình, còn người dân bị ảnh hưởng ra sao thì cũng mặc kệ. Đất cát, gạch đá đầy đường, vỉa hè thì lổn nhổn. Mấy hôm nay gặp mưa, phố xá càng nhầy nhụa bùn đất”. Không chỉ chị Hoa, mà hầu hết người dân sinh sống hai bên phố Bạch Mai đều thấy khó hiểu vì việc đào bới đường sá vào mùa này. Chỉ mớ dây ống nhựa ngổn ngang từng bó trước cửa nhà, anh Khánh nói: “Mưa gió thế này, không biết có đảm bảo an toàn cho người dân không”. Không riêng cư dân sinh sống trên phố Bạch Mai bức xúc vì tình trạng đào bới xới hè vô tội vạ, mà người dân trên phố Thịnh Yên, Nguyễn Đức Cảnh, Đinh Trung Tự… đều chung một nỗi niềm. 

Đáng nói, mỗi công trình đào bới xới hè xong việc hoàn trả mặt đường được làm rất qua loa đại khái. Do đó, nhiều tuyến đường của Thủ đô giờ chẳng khác nào một tấm áo con nhà nghèo, vá chằng vá đụp, lồi lõm. Bác Mai, sinh sống trên phố Thịnh Yên phản ánh: “Họ đào bới tung đường lên để thi công thì chớ, mai này hoàn trả mặt đường lại nham nhở như chuột gặm”. 

Làm đường rồi lại đào đường

Theo quy định, trước khi cấp giấy phép đào hè, đường, Sở GTVT phải cùng chủ đầu tư đi khảo sát toàn bộ tuyến đường. Sau khi hoàn thành công trình, dự án, chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn trả tuyến đường và bảo hành trong 12 tháng, có sự giám sát của công ty quản lý cầu đường địa phương. Hoặc, việc hoàn trả sẽ do đơn vị quản lý đoạn đường đó thực hiện. Với những công trình ngầm thì Sở Xây dựng cấp phép, Sở GTVT cấp phép với những công trình thi công. Đề cập đến việc hậu kiểm bồi hoàn đường, đại diện Phòng Quản lý giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, trách nhiệm bồi hoàn thuộc về đơn vị thi công, và việc hậu kiểm thuộc về công ty quản lý đường bộ tại khu vực đó. Còn, tại sao các đơn vị thi công không đồng loạt đào bới xới hè một thể rồi thôi, tránh rơi vào tình trạng nay thoát nước đào bới, mai viễn thông đào đường… đại diện Phòng Quản lý GTĐT cho rằng, các đơn vị thực hiện theo kế hoạch, lộ trình và phụ thuộc vào kinh phí. 

Tuy nhiên, quy định dường như chỉ cho có, bởi thực tế lại đang diễn ra hoàn toàn khác. Nhiều đơn vị trúng thầu các dự án hạ ngầm chỉ chăm chăm hoàn tất phần công trình ngầm, đến khi hoàn trả mặt đường thì thuê lao động tự do vào lấp sơ sài, sau đó thảm một lớp bê tông át phan mỏng lên bề mặt. Chỉ một thời gian ngắn sau đó đã xuất hiện tình trạng lún, sụt, bong tróc. Ngay cả ở những công trình được hoàn trả mặt đường “có ý thức” thì do yếu ở khâu kỹ thuật, vết lấp không được đắp cao hơn đường cũ để bù trừ độ lún, hoặc vết lấp không phủ ra thêm mỗi bên 20cm theo quy định nên không đảm bảo độ kết dính… Ngoài ra, chất lượng nhựa tái lập không đảm bảo cũng là một trong những nguyên nhân khiến phần đường hoàn trả nhanh bị hỏng. Khi đường sá xuống cấp, hư hỏng, lồi lõm ổ gà, ổ voi thì lại cần một khoản kinh phí không nhỏ để duy tu, bảo dưỡng. Và tất nhiên, nguồn kinh phí lại do ngân sách Nhà nước chi trả.