Hàng triệu người chọn học nghề, không theo đuổi bằng được "cánh cửa" trường đại học

ANTD.VN - Thời gian qua, giáo dục nghề nghiệp đã có bước chuyển biến tích cực, đào tạo gắn với yêu cầu của thị trường, sinh viên ra trường có việc làm đạt khoảng 70%.

Hàng triệu người chọn học nghề, không theo đuổi bằng được "cánh cửa" trường đại học ảnh 1

Trường nghề cần chủ động kết nối với doanh nghiệp, đào tạo theo nhu cầu thị trường

Tuyển sinh tăng mạnh

Theo số liệu thông kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện cả nước hiện có 1.954 cơ sở dạy nghề, trong đó có 394 trường cao đẳng, 515 trường trung cấp và 1.045 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Tính đến hết năm 2017, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh, đạt trên 2,09 triệu người.

Nhận thức của xã hội, của các bậc phụ huynh và học sinh đã có chuyển biến tích cực khi quyết định con đường tương lai chính là học nghề, lập nghiệp. Kết quả tuyển sinh cho thấy bước đầu đã có sự thay đổi nhận thức của xã hội, của cha mẹ học sinh và cá nhân học sinh khi quyết định con đường nghề nghiệp tương lai của con em mình và chính các em học sinh qua con đường học nghề, lập nghiệp.

Năm 2018, ngành LĐ-TB&XH đã chọn giáo dục nghề nghiệp là một khâu đột phá, qua đó nhằm tạo ra việc làm ổn định và bền vững cho người lao động. Tổng hợp báo cáo của các địa phương, ước thực hiện tuyển sinh 6 tháng đầu năm đạt 1.058 nghìn người, đạt 48% kế hoạch năm, bằng 142% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó: Tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 108 nghìn người, đạt 20% kế hoạch; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 950 nghìn người, đạt 57% kế hoạch.

Cũng trong quý 1-2018, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai thí điểm 10 trường nghề ký kết với 15 tập đoàn trong và nước về việc đào tạo theo địa chỉ với số lượng học viên là 150.000 người, giai đoạn từ năm 2018-2020.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2018, ngành sẽ tập trung hoàn thiện, triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, địa phương. Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp từ đào tạo không theo dự báo, không theo nhu cầu chuyển sang đào tạo theo đặt hàng, theo nhu cầu và có dự báo sẽ tiếp tục được ưu tiên thời gian tới.

Phải thu hút được người học

Mới đây, tại hội nghị đánh giá công tác tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm năm 2017; phương hướng nhiệm vụ năm 2018 về giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết, năm 2017 được coi là năm thành công về công tác tuyển sinh. Tuyển sinh vượt xa chỉ tiêu đặt ra.

Năm 2018, Bộ xác định là năm bứt phá về công tác tuyển sinh với yếu tố nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết tốt việc làm cho người học sau tốt nghiệp làm trọng. Năm 2017, nhiều trường có thương hiệu đã mạnh dạn đầu tư cho công tác tuyển sinh, đầu tư cho truyền thông tuyển sinh, giúp cho người học, các bậc phụ huynh thay đổi nhận thức, đặc biệt một số trường đã cam kết đảm bảo việc làm và thu nhập cụ thể. Nếu các trường thực hiện được cam kết học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm thì nhất định trường sẽ thu hút được người học và tuyển sinh tốt.

Bên cạnh đó, các trường cần chủ động gắn kết với doanh nghiệp, thực hiện cập nhật chương trình, đào tạo theo chuẩn của doanh nghiệp. Bộ sẽ đồng hành bằng cách linh hoạt cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi đàm phán với doanh nghiệp được ký ban hành nhiều chương trình đào tạo mới để đáp ứng thí điểm theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo nhận định của các chuyên gia, truyền thông và sự chuyển biến nhận thức sẽ giúp cho phụ huynh và học sinh nắm bắt được thông tin của thị trường lao động. Do đó, bên cạnh gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông về tuyển sinh, cung cấp thông tin những ngành nghề, trình độ đào tạo mà nhu cầu thị trường đang cần.