Hàng rong tái xuất
(ANTĐ) - Sau quãng thời gian phong quang sạch đẹp, đến nay mặc dù mới chớm hè song, hàng rong cũng như những vi phạm về lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, kinh doanh trên những tuyến phố cấm đang tái xuất với chiều hướng ngày càng gia tăng.
Hàng rong cùng nhau “dạo” phố |
Cấm vẫn vô tư vi phạm
Tính đến thời điểm này, quy định của UBND thành phố về việc cấm buôn bán hàng rong, kinh doanh trên vỉa hè, lòng đường tại các tuyến phố cấm đã có hiệu lực được gần 1 năm. Trong suốt quãng thời gian qua, nhờ sự ra quân đồng loạt cũng như kết hợp hiệu quả giữa việc tuyên truyền và xử lý các vi phạm, việc lấn chiếm lòng hè đường làm nơi buôn bán kinh doanh đã giảm hẳn, thậm chí vào thời gian đầu, nhiều tuyến phố “sạch” bóng hàng rong.
Tuy nhiên, sau quãng thời gian các đơn vị chức năng “căng mình” ra xử lý các vi phạm, đến nay những người dân buôn thúng bán mẹt, và cả những chủ cửa hàng kinh doanh trên các tuyến phố cấm dường như đã “nhờn” quy định cấm của thành phố.
Dạo một vòng quanh, rất dễ nhận thấy sự nhốn nháo của các tuyến phố nằm trong danh mục cấm buôn bán hàng rong. Đơn cử như tuyến Phố Huế, một trong những tuyến phố được đánh giá là “thay da đổi thịt” nhất sau khi hai quyết định 02 và 20 có hiệu lực thì nay cũng đang dần quay lại với diện mạo cũ. Bắt đầu từ ngã tư Phố Huế-Đại Cồ Việt kéo dài lên đến phố Hàng Bài, những gánh hàng rong mặc nhiên vi phạm, bất chấp quy định cấm buôn bán hàng rong, bày bán kinh doanh trên vỉa hè.
Nếu như thời gian đầu, việc bán hàng của những gánh hành rong thường “thậm thà thậm thụt”, phải để ý lực lượng dân phòng, dân phố, CSTT đẩy đuổi, xử lý thì nay đội quân này cứ vô tư chào mời, buôn bán mà chẳng ngại ngần gì. Mặc dù các đơn vị chức năng của quận Hoàn Kiếm đã “căng mình” ra để chấn chỉnh TTĐT, tuy nhiên theo khảo sát của chúng tôi, trên nhiều tuyến phố vi phạm về bày bán hàng hóa tràn ra cả vỉa hè dành cho người đi bộ vẫn diễn ra.
Tại các cửa hàng buôn bán, tình trạng khách đến mua bán, giao dịch hàng hóa để xe ngổn ngang dưới lòng đường cũng diễn ra một cách thoải mái. Dọc theo tuyến phố Lương Văn Can, Hàng Đào… người đi bộ đã không còn “chỗ đứng” trên vỉa hè bởi sự lấn chiếm của các loại hàng hóa được bày bán một cách công khai trên vỉa hè, phương tiện tràn cả xuống dưới lòng đường.
Những hàng quán trà đá nếu như trước đây kinh doanh theo lối “du kích” hễ cứ thấy lực lượng chức năng thì dọn vào còn khi lực lượng chức năng đi khỏi lại dọn ra, thì nay cũng mặc nhiên dựng đồ, kê bàn ghế trên vỉa hè bày bán công khai. Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian càng đến tối, về khuya, những vi phạm trên càng diễn ra phổ biến, rộng rãi.
Liệu có “đánh trống bỏ dùi?”
Hiện nay, những người thất nghiệp lên các thành phố lớn kiếm sống đang gia tăng. Bài toán thu hút những người lao động buôn thúng bán mẹt quay trở lại quê hương sản xuất của các cơ quan chức năng cũng đang gặp nhiều khúc mắc.
Tại ngã tư Nguyễn Du-Bà Triệu, vừa ôm một bó hoa hồng bán cho người qua đường, chị Trần Thị Hoa, quê ở Hưng Yên vừa cho biết: “Năm ngoái khi lực lượng chức năng làm “gắt” thì chúng em bán ở cổng chợ hoặc các tuyến phố không cấm. Tuy nhiên, hiện tại chúng em lại ra đây bán và nếu như có lực lượng chức năng thì chúng em chạy còn không vẫn bày bán vô tư”.
Tại phố Lương Văn Can, khi được chúng tôi hỏi về việc bày bán hàng hóa trên vỉa hè mà không sợ lực lượng chức năng nhắc nhở, xử lý, chị Nguyễn Thị Liên, chủ một cửa hàng kinh doanh sản phẩm đồ chơi tại phố này cho biết: “Hồi trước các cơ quan chức năng còn làm mạnh chứ giờ thì cửa hàng nào cũng bày bán, mà nếu có nhắc nhở thì chúng em lại chạy vào. Mình thấy thiên hạ làm được thì mình cũng làm thôi”.
Mang vấn đề trên trao đổi với đại diện của Phòng CSTT, vị đại diện này cho biết: “Hiện nay lực lượng CSTT vẫn đang tăng cường việc tuần tra xử lý các vi phạm về buôn bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè lòng đường kinh doanh trên các tuyến phố cấm.
Mặc dù lực lượng chức năng đã xử lý nghiêm, nhưng quả thật trong thời gian qua, các vi phạm đang ngày càng tái diễn. Sắp tới là thời gian vào hè, bởi vậy những hàng quán kinh doanh như trà đá, hàng rong sẽ “mọc” lên nhiều. Lực lượng chức năng mỏng, phải dàn trên nhiều tuyến phố nên đây cũng là một cái “khó” đối với chúng tôi trong việc giữ gìn TTĐT.
Không chỉ có vậy, việc người dân ở các vùng quê sau thời gian “nghe ngóng” cũng như không có việc làm đang trở lại Thủ đô để mưu sinh bằng việc gánh gồng hàng hóa bán rong. Nhiều đơn vị nhận khoán quản trông giữ phương tiện nhưng không quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo văn minh đô thị cũng khiến hàng rong gia tăng”.
Có thể nói các đơn vị chức năng vẫn đang nỗ lực trong việc duy trì trật tự hè phố. Tuy nhiên, với quá nhiều cái khó đang diễn ra như nơi để phương tiện cho người dân, công ăn việc làm cho người lao động chưa được giải quyết thì để có được diện mạo của một đô thị phong quang sạch đẹp, hiện đại, các cơ quan chức năng vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm.
Mai Hương