Hàng nghìn tàu thuyền đang chạy bão số 10 trên biển

ANTD.VN - Các địa phương đang hối hả chuẩn bị phòng chống cơn bão số 10 – cơn bão lớn nhất từ nhiều năm nay. Đáng chú ý, tới sáng 14-9, khi bão giật cấp 13 đã vào vùng biển Đông Nam quần đảo Hoàng Sa, hàng nghìn tàu thuyền vẫn đang chạy bão trên biển.

Tại Thanh Hóa, theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 4.726 phương tiện tàu, thuyền với 11.807 lao động hoạt động khai thác hải sản trên biển. Đến 16h ngày 13-9, có 3.478 tàu, thuyền đã vào các nơi tránh trú bão an toàn.

Hiện vẫn còn 1.239 tàu, thuyền với hơn 7.000 lao động đang hoạt động trên biển đang trên đường vào nơi gần nhất để tránh trú bão. Tất cả các phương tiện đều đã nắm được thông tin của bão và duy trì liên lạc với đất liền.

Đến 7h ngày 14/9, Nghệ An còn 887 tàu thuyền trên biển đang trên đường về và dự kiến đến chiều nay sẽ về bến an toàn. Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết vào sáng 14/9. Ngoài 887 phương tiện, còn có 6.378 lao động đang ở trên biển. Số phương  tiện đang neo đậu ở bến: 2991/10.898 phương tiện. Tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng đi của bão số 10.

Trên đường tránh trú bão, tàu cá NA 2506 TS của ngư dân huyện Diễn Châu bị đâm vào đá ngầm trên biển lúc 4 h ngày 13/9/2017. Đến 10 h ngày 13/9, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng đã đưa 2 thuyền viên và tài sản trên tàu bị nạn vào bờ đảm bảo an toàn. Đến 17 h ngày 13/9 tàu đã được kéo vào bờ. 

Các địa phương kêu gọi tàu thuyền khẩn trương tìm nơi tránh bão số 10 (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Tại Hà Tĩnh, các địa phương đang hối hả phòng chống cơn bão số 10 – cơn bão lớn nhất từ nhiều năm nay. Tại thị xã Kỳ Anh, công tác phòng chống bão đang được địa phương gấp rút triển khai. Theo báo cáo, đến thời điểm này, 1.558 tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân thị xã Kỳ Anh đã chủ động ra khỏi vùng nguy hiểm. Các tàu công suất trung bình và nhỏ đánh bắt trên địa đã vào nơi tránh trú an toàn.

Tuy nhiên, đến 9h30 sáng 14/9, vẫn còn 12 tàu cá của ngư dân Thạch Kim, Thạch Bằng chưa về đất liền để tránh trú bão. Theo thông tin ban đầu, trên 12 tàu cá có 63 người. Các đơn vị chức năng như Bộ đội Biên phòng Cửa Sót, Cảng cá Thạch Kim và chính quyền địa phương vẫn đang giữ được liên lạc với các tàu trên.

Để đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du, từ chiều 13/9, nhiều hồ đập lớn thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý đã tiến hành xả tràn.

Tại Quảng Bình, các đơn vị đều phải cử lãnh đạo và lực lượng xung kích trực 24/24 giờ để theo dõi tình hình bão và giải quyết sự cố phát sinh; chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống bão.

Đặc biệt, Sở GD-ĐT Quảng Bình cho phép các trường học chủ động quyết định việc học sinh nghỉ học nếu có hiện tượng nguy hiểm do bão gây ra.

Trong trường hợp học sinh đang học, hoạt động tại trường, nếu có mưa bão thì tuyệt đối không được cho học sinh về nhà mà phải liên lạc với gia đình để có phương án giải quyết; đồng thời phải tổ chức cho học sinh ở lại trường và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các em.

Tại Hà Nội, các đơn vị liên quan cũng ráo riết chuẩn bị ứng phó bão số 10.  Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội yêu cầu các Xí nghiệp, đơn vị trực thuộc phân công, bố trí lực lượng ứng trực khi có mưa giông, gió bão (bố trí 100% lực lượng ứng trực theo địa bàn đã được phân công); bắt đầu trực từ 17h, ngày 14/9/2017 cho đến khi có lệnh dừng trực của Công ty.

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, tính đến 17h chiều, Công ty đã chuẩn bị sẵn 20.000 bao tải cát, 10.000 m2 bạt chắn sóng, 30 xuồng, 15 động cơ... và sẵn sàng ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp. Toàn thể Công ty chuyển sang chế độ trực ban 24/24h kể từ 10h30 ngày 13-9-2017.

Công ty bố trí 100% lực lượng ứng trực với hơn 2.300 cán bộ-công nhân viên, 200 đầu xe máy, thiết bị cơ giới bảo đảm sẵn sàng hoạt động giải quyết thoát nước khi có mưa lớn tại các vị trí được phân công và chủ động giải quyết các điểm phát sinh khi có yêu cầu của BCH phòng chống thiên tai thành phố Hà Nội.

Dự báo, khoảng trưa chiều mai (15/9), bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị, cường độ cấp 11-12, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần. Vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình (bao gồm đảo Hòn Ngư), khu vực phía Nam vịnh Bắc Bộ từ  đêm nay có gió mạnh dần lên cấp 6-7, gần sáng và ngày mai tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật cấp 15; biển động dữ dội. Khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ từ gần sáng và ngày mai có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Sóng vùng tâm bão cao 10m, vùng ven bờ 5-6m. Ven biển từ Hải Phòng tới Quảng Bình nước dâng do bão có khả năng cao 1 m, riêng khu vực ven biển Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khoảng 2 m.

Học sinh toàn tỉnh Nghệ An được nghỉ tránh bão

Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An vừa có công văn khẩn, yêu cầu tất cả các trường học chủ động cho phép học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho trẻ trong cơn bão số 10. Theo đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo, các đơn vị trực thuộc chỉ đạo các cơ sở trực thuộc chỉ đạo các trường học thông báo đến từng trẻ, học sinh nghỉ học và dừng mọi hoạt động liên quan đến học sinh tại nhà trường trong thời gian bão số 10 tràn vào đất liền.

Thời gian thực hiện bắt đầu thực hiện từ 15h ngày 14/9/2017 đến kết thúc cơn bão (dự kiến từ ngày 14/9 đến ngày 16/9). Việc học bù những ngày nghỉ do bão, các nhà trường bố trí phù hợp với tình hình địa phương.