Hàng không tăng trưởng nóng

ANTĐ - 9 tháng qua, thị trường vận tải hàng không Việt Nam được nhìn nhận có sự tăng trưởng đột biến trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn và hàng không thế giới gặp nhiều khủng hoảng. Song, cùng với đó,  tình trạng chậm, hủy chuyến bay cũng tăng đột biến vào thời kỳ cao điểm. Nạn mất cắp hành lý dù đã giảm nhưng vẫn gây bức xúc trong dư luận.

Hàng không tăng trưởng nóng ảnh 1Thị trường vận tải hàng không tăng trưởng đột biến

Tăng trưởng và chậm, hủy chuyến đều top đầu

Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn 2009 – 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường vận tải hàng không tại Việt Nam đạt 14%/năm về hành khách và 16,7%/năm về hàng hóa. Trong 9 tháng đầu năm 2015, hàng không tăng trưởng mạnh, đạt xấp xỉ 30 triệu khách, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng lượng khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt trên 46 triệu khách, tăng 22,5% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này được Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO) xếp vào top các nước tăng trưởng mạnh trên thế giới. 

Các hãng hàng không trong nước đã thực hiện hơn 151.000 chuyến bay. Trong đó, có 23.700 chuyến bay bị chậm (chiếm 15,6%) và 834 chuyến bay bị hủy (chiếm 0,5%). Tỷ lệ này theo Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh, cũng  nằm ở top đầu khu vực và mức cao trên thế giới. Xét riêng các hãng hàng không trong nước, Jetstar Pacific “dẫn đầu” với tỷ lệ chậm chuyến là 20,8%. Ngay sau đó là Vietjet Air với 18,3% chuyến bay bị chậm. Với 14,1% chuyến bay chậm, Vietnam Airlines có tỷ lệ chậm chuyến thấp nhất.

Vào những giai đoạn cao điểm, tỷ lệ chậm hủy chuyến bay tăng vọt. Cụ thể, tháng 7-2015, tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay tăng 24,5%. Theo lý giải của Cục Hàng không, nguyên nhân do sân bay Tân Sơn Nhất phải đóng cửa đường băng để sửa chữa (từ ngày 16 đến 19-7) nên năng lực khai thác giảm. Cùng với đó là việc ưu tiên khai thác quốc tế nên các hãng hàng không phải điều chỉnh lịch bay trong giai đoạn này. Ngoài ra, nguyên nhân thời tiết cũng chiếm từ 8-9% tổng số chuyến bay bị chậm. 

Gắn camera vào người để giảm mất cắp

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường nhìn nhận, so với năm 2014, chất lượng dịch vụ đã có sự cải thiện rõ rệt, thể hiện ở tất cả các lĩnh vực dịch vụ hàng không và phi hàng không. Tuy nhiên, ngành hàng không vẫn còn một số tồn tại liên quan đến chất lượng dịch vụ do sự tăng trưởng “nóng”. Ông Lại Xuân Thanh cho hay, tại các cảng hàng không địa phương, khu vực nhà vệ sinh cho người khuyết tật chưa đầy đủ, còn nhiều nhà ga chưa có quầy nước uống miễn phí, cơ sở vật  chất phục vụ hành khách khi chuyến bay bị chậm còn hạn chế. 

Cụ thể, hiện mới có 5/21 cảng hàng không có xe nâng hỗ trợ hành khách là người khuyết tật lên xuống tàu bay do giá xe nâng chuyên dụng nhập ngoại rất cao. Cục Hàng không đã làm việc với các cơ sở, doanh nghiệp có khả năng sản xuất xe nâng đáp ứng các yêu cầu theo quy định nhưng chỉ có 1 đơn vị là Công ty CP dịch vụ kỹ thuật hàng không đang đề xuất một số phương án thiết kế, chế tạo thử. Ngoài ra, thái độ ứng xử, phục vụ, giải đáp thắc mắc, khiếu nại của nhân viên hàng không đối với hành khách vẫn khiến dư luận bất bình, nhất là trong các trường hợp chậm chuyến kéo dài.  

Cục Hàng không cũng nhìn nhận, tình trạng mất cắp, moi rạch hành lý vẫn còn tái diễn. Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, 9 tháng đầu năm, cả nước có 292 trường hợp khiếu nại mất cắp tài sản trong hành lý ký gửi. Những tháng đầu năm, số vụ khiếu nại lên tới hơn 50 vụ mỗi tháng, con số này là 28 vụ trong tháng 7, giảm còn 15 vụ trong tháng 8 và chỉ còn 9 vụ trong tháng 9. Đại diện Cảng vụ hàng không miền Bắc thông tin thêm, trong quý III vừa qua, Cảng vụ đã kiểm tra đột xuất hơn 300 lượt nhân viên phục vụ tại sân bay Nội Bài, phát hiện và xử lý 24 cá nhân có hành vi vi phạm như: không khai báo tài sản, giữ tài sản của người khác... 

Nhiều biện pháp chống mất cắp hành lý đã được các đơn vị áp dụng như kiểm tra trực quan và soi chiếu an ninh. Ngoài ra, nhân viên sân bay khi vào khu vực hạn chế, khu vực cách ly để làm việc đều phải đi qua cửa soi chiếu an ninh và bị kiểm tra trực quan đồ đạc mang theo.

Trước khi về bộ phận làm việc, các nhân viên bắt buộc phải khai báo và ký tên xác nhận về những tài sản như: iPad, loại điện thoại sử dụng, máy tính xách tay, đồ dùng có giá trị… Lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Bắc kiến nghị, ngoài các biện pháp giám sát, cần tăng cường kiểm tra đột xuất và có thể xem xét việc gắn camera vào người nhân viên làm việc (vào mũ hoặc chắn mũ) ở những nơi nhạy cảm để phòng ngừa nạn trộm cắp hành lý.