Hai trụ cột an sinh

ANTĐ - Sau 10 năm nỗ lực, Việt Nam đã được Liên hợp quốc xếp hạng đứng trong tốp đầu 38 quốc gia hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo. Theo ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Việt Nam dành tới gần 40% trong tổng chi ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội, các nguồn vốn rót cho hai quỹ bảo hiểm xã hội và y tế không nhỏ và 70% dân số có BHYT là thành tích nổi bật được quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ còn thấp, mức độ sử dụng không cao. Đây là kết luận tại cuộc hội thảo về an sinh xã hội vừa diễn ra.

Khó khăn, thách thức trước mắt và lâu dài là nước ta vẫn còn hơn 3 triệu hộ nghèo, mâu thuẫn giữa giảm nghèo nhanh và bền vững, khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng. Theo phân tích của Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, người giàu cố gắng vươn lên làm giàu, thậm chí muốn giàu lên nhanh chóng nhưng trách nhiệm với xã hội chưa cao. Người nghèo chưa thực sự nỗ lực vươn lên để thoát nghèo, vẫn có tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước.

Bất bình đẳng không thể tránh khỏi ở các nước, kéo gần khoảng cách giàu nghèo là rất gian nan. Vì thế, nước ta đặt ra mục tiêu rút ngắn khoảng cách này để thoát nghèo bền vững phải có lộ trình, bước đi cụ thể theo phương châm cuốn chiếu. Trước hết, tập trung giải quyết những huyện nghèo nhất, “lõi” nghèo của cả nước. Không nên trợ cấp tiền và hiện vật cho hộ nghèo. Có nghĩa là cho họ cần câu và dạy cách câu.

Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới nhận định, tăng trưởng kinh tế suy giảm mấy năm gần đây khiến người nghèo càng khó tiếp cận vốn. Họ còn phải đối mặt với những thách thức, rủi ro về thiên tai, tài sản, bệnh tật. Điều quan trọng là phải mở rộng đầu tư vào khu vực nông nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nhiều lao động. Một thực tế là, giá nông sản bấp bênh, thời tiết bất thường, sâu bệnh, trong khi người nghèo tiếp cận tín dụng chỉ hy vọng “thoát nợ” các khoản vay để trang trải chi phí sản xuất và một phần đời sống. Còn chuyện thoát nghèo bền vững là cả một chặng đường dài gian nan. Vì vậy, chuyên gia này lưu ý, cần phải có các biện pháp bảo vệ người nghèo dễ bị tổn thương do chi phí, giá cả dịch vụ tăng, kể cả lao động nhập cư ở khu vực thành thị.

Về BHXH và BHYT, hai tấm lá chắn bảo vệ người nghèo, theo khảo sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phương thức chi trả khám chữa bệnh theo BHYT có thể gây thiệt thòi cho người dân. Phương thức thanh toán định suất đang được hơn 43% bệnh viện áp dụng, dẫn đến mặt trái là bệnh viện có thể cắt giảm quyền lợi của người bệnh như khống chế loại thuốc, hạn chế chuyển lên tuyến trên, phát sinh các định mức chi phí. Phương thức thanh toán theo giá dịch vụ lại dễ sinh tiêu cực như lạm dụng chỉ định nhiều xét nghiệm, thuốc chữa bệnh, sử dụng thiết bị hiện đại…

Hiện nay, tỷ lệ tái nghèo vẫn chiếm 7-10% trong tổng số người thoát nghèo hàng năm. Rõ ràng, tăng trưởng kinh tế luôn phải gắn liền với tăng trưởng mức giảm nghèo, tái nghèo và an sinh xã hội, trong đó hai trụ cột BHXH, BHYT phải thật vững chắc.