Hai kịch bản tăng trưởng của Việt Nam năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 có thể đạt mức 3,8%, cao hơn so với các dự báo trước đó.

Sản xuất được phục hồi sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát

Ngày 21-7, VEPR công bố báo cáo kinh tế Việt Nam quý II-2020. Cân nhắc những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực đang tác động đối với kinh tế Việt Nam hiện nay, VEPR đưa ra các dự báo về tăng trưởng và lạm phát theo các kịch bản khác nhau về tình hình phòng chống bệnh dịch.

Với việc gỡ bỏ phong tỏa xã hội sớm hơn dự kiến (từ cuối tháng 4-2020 so với dự kiến cuối tháng 5-2020 trước đây), VEPR khẳng định có cơ sở nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên so với các dự báo trước. Theo đó, khả năng cao nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng 3,8% trong cho cả năm 2020. Ở một khả năng thấp hơn, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 2,2% do những diễn biến bất lợi của bệnh dịch.

Cụ thể, ở kịch bản cơ sở, bệnh dịch sẽ không tái phát trong nước trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường. Tuy vậy thì bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới được giả định có một khả năng tái bùng phát hoặc chưa đủ tự tin khiến các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang nửa sau quý III-2020, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam và nhu cầu du lịch, lưu trú tại Việt Nam.

“Khi đó, mức độ tác động của Covid–19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ nghiêm trọng hơn. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 3,8%.

Nhìn chung, tăng trưởng trong các ngành nghề sẽ khiêm tốn, trong đó các ngành bị ảnh hưởng nặng nhất bao gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống, ngành khai khoáng và ngành kinh doanh bất động sản”- đại diện VEPR nhận định.

Ở kịch bản bất lợi, bệnh dịch trong nước dù vẫn được khống chế hoàn toàn trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường nhưng bệnh dịch trên thế giới tái bùng phát mạnh khiến các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang quý IV- 2020, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng và không có khả năng hồi phục trong năm 2020; kéo theo đó là sản xuất trong nước tăng trưởng yếu và các ngành khai khoáng phục vụ công nghiệp có khả năng thu hẹp.

Dịch vụ lưu trú và ăn uống không có động lực hồi phục do thiếu khách du lịch nước ngoài, trong khi nhu cầu trong nước với các loại hình dịch vụ này cũng bị hạn chế do tình hình kinh tế kém khả quan ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 2,2%.

VEPR cho rằng, khả năng cao, diễn biến nền kinh tế sẽ đi theo kịch bản 1, tức tăng trưởng GDP sẽ đạt 3,8% trong năm nay. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, song theo VEPR, ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động.

“Đặc biệt, việc chủ động cắt giảm các chi phí bắt buộc như phí và hoãn/giảm thuế đối với doanh nghiệp có giá trị kích thích và hỗ trợ kinh tế hiệu quả hơn so với cứu trợ hoặc tài trợ trực tiếp”- VEPR nhấn mạnh.