Hai Bộ trưởng cùng giải trình về giải pháp đầu tư công hiệu quả

ANTD.VN - Để làm rõ thêm các vấn đề đại biểu nêu liên quan chất lượng và hiệu quả đầu tư nợ công, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình thêm, sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Trong phiên chất vấn sáng 16-11, trả lời một số đại biểu về giải pháp quản lý nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết Bộ Tài chính đã tổng kết, đánh giá, báo cáo các cấp có thẩm quyền nhằm bảo đảm nợ công bền vững, Quốc hội cũng đã có Nghị quyết về vấn đề này.

Người đầu ngành tài chính cũng cho biết thời gian qua đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý chặt nợ công như: Rà soát, hoàn thiện thể chế; quản lý chặt trần nợ công; quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay ODA; xác định rõ mức bội chi ngân sách hằng năm; siết chặt bảo lãnh chính phủ; kiên quyết bám sát Nghị quyết 5 năm của Quốc hội trong chỉ đạo điều hành; bố trí cân đối nguồn bảo đảm trả nợ đúng hạn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát...

ĐB Nguyễn Quang Tuấn tham gia tranh luận

Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng về nợ công, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) giơ biển tranh luận. Theo ông Tuấn, những con số chỉ là cái vỏ còn linh hồn là hiệu quả của đầu tư công. Nợ công không xấu nhưng đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu, bởi khi đó chúng ta thiệt hại kép, vừa áp lực trả nợ tiền gốc và lãi, vừa trả bù lỗ cho các doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả, gây ảnh hưởng xấu tới “sức khỏe” nền kinh tế nước ta đồng thời ảnh hưởng xấu tới uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Từ phân tích trên, ĐB Nguyễn Quang Tuấn đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính song song với báo cáo kìm hãm nợ công cần nói thêm đầu tư công hiệu quả ra sao; Vì nếu không đầu tư thì không phát triển được song nếu đầu tư không hiệu quả thì làm cho kinh tế ảm đạm hơn?

Một vấn đề khác ĐB Nguyễn Quang Tuấn quan tâm đó là thủ tục hải quan quá rườm rà: "Bộ trưởng chưa đi sâu vào các giải pháp cụ thể để đưa ra giải pháp dài hạn và ngắn hạn xử lý tồn tại này. Như vụ thuốc ung thư vừa qua ở TP.HCM thủ tục quá lâu làm cho thời hạn thuốc không còn trong khi hàng trăm người nghèo đang cần thuốc, hay như hàng cứu trợ thiên tai từ nước ngoài, thủ tục quá lâu, khi hàng đến tay đồng bào thì đã quá muộn, mất tính cấp thiết và ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ trong vấn đề hỗ trợ đồng bào vùng thiên tai".

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đúng như đại biểu nói, hiệu quả đầu tư công là vấn đề rất trọng tâm trong chương trình tái cơ cấu đầu tư công. Về lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc Bộ KH-ĐT cũng như các bộ ngành, địa phương trong vấn đề sử dụng. 

“Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi đang triển khai các nhiệm vụ như nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, chuyển từ cấp phát sang cho vay lại, làm rõ trách nhiệm hơn, hạn chế tối đa bảo lãnh Chính phủ, tiếp tục hoàn thành hệ thống pháp luật về nợ công…”, ông Đinh Tiến Dũng cho biết thêm.

Trả lời về lô thuốc ung thư tại TP.HCM thông quan chậm mà ĐB Nguyễn Quang Tuấn nêu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Ngày 23-7-2014, lô hàng này được xếp lên máy bay chuyển về Việt Nam, qua kiểm tra hạn sử dụng lô hàng này không còn đủ 12 tháng. Theo quy định phải có xác nhận cơ quan chuyên ngành là Viện truyền máu huyết học. Đến ngày 6-8, sau khi có ý kiến của đơn vị kiểm tra chất lượng dược thuộc Bộ Y tế, công ty đến làm việc với hải quan và hải quan đã cho thông quan ngay ngày 7-8. 

“Còn trong chỉ đạo đối với các hàng viện trợ, cứu trợ, quan điểm của Bộ là phải cho thông quan ngay trong ngày”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Để làm rõ thêm các vấn đề đại biểu nêu liên quan chất lượng và hiệu quả đầu tư nợ công, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình thêm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trước đây chúng ta chưa có Luật Đầu tư công nên việc quyết định đầu tư diễn ra khá tùy tiện, vượt khả năng cân đối của ngân sách, mỗi giai đoạn 5 năm có hơn 20 ngàn dự án, nhưng không rõ vốn đâu ra, do đó việc hoãn dự án rất nhiều. Sau đó có nghị định của Chính phủ, rồi Luật Đầu tư công, nay chỉ giảm còn khoảng 1.000 dự án kiểu như vậy mỗi năm. Nợ đọng, ứng của các giai đoạn trước thì đến 2016 - 2020 đang tập trung giải quyết.

Về hướng giải quyết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đã có kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công, tổng hợp rà soát lại tất cả bất cập, cho sửa luật theo hướng quản lý chăt chẽ nhưng nhanh gọn.