Hà Nội triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường

ANTD.VN - Chiều 18-12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp cùng các sở, ngành, quận huyện để đôn đốc các công tác liên quan đến công tác bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Chiều 18-12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp cùng các sở, ngành, quận huyện để đôn đốc các công tác liên quan đến công tác bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Chuyển biến theo hướng tích cực

Mở đầu cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong quá trình phát triển của Hà Nội, mỗi năm, trung bình dân số cơ học của thành phố tăng 160 nghìn người, tốc độ phát triển đô thị hóa từ 11% thời điểm sát nhập năm 2018 lên 49% ở thời điểm hiện nay.

Vì vậy, vấn đề môi trường tại Hà Nội không thể giải quyết "ngày 1, ngày 2" mà đòi hỏi thời gian; cần có giải pháp trước mắt, trung hạn và dài hạn. Vì vậy, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cuộc họp cần đánh giá thẳng thắn về kết quả thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU của Thành ủy trên địa bàn trong 2 năm qua, nhất là những hạn chế và xác định giải pháp trước mắt, lâu dài.

Theo Sở TN&MT Hà Nội, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy, thành phố đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng, cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.

UBND TP đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và cơ quan, đơn vị có liên quan tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố, bước đầu đạt những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, nổi bật là tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải y tế; việc xử lý ô nhiễm nguồn nước tại các hồ; thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh và giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường...

Công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường được tăng cường. Ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương đã có những chuyển biến theo hướng tích cực.

UBND TP cũng nêu rõ một số hạn chế tồn tại như việc phối hợp giữa các sở, ngành, quận huyện còn chưa chặt chẽ, một số đơn vị triển khai các nhiệm vụ còn chậm so với tiến độ thành phố giao.

Kết quả một số nhiệm vụ và chỉ tiêu của Nghị quyết chậm tiến độ, chưa đạt yêu cầu đề ra, cần phải tập trung thực hiện trong thời gian tới như: triển khai xây dựng các dự án nhà máy, xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt khu vực nội đô và hệ thống cấp nước sạch khu vực nông thôn còn chậm; Việc xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch; từng bước làm sống lại sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy chưa đáp ứng được yêu cầu...

TS Nguyễn Văn Tài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT đánh giá, Công tác bảo vệ môi trường của Hà Nội được thực hiện tốt với sự chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Thành quả của Hà Nội có thể nhìn thấy rõ như đường phố thêm nhiều cây xanh; đổi mới thu gom rác thải; lắp đặt, đưa vào hoạt động các trạm quan trắc không khí...

Toàn cảnh hội nghị

Xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm không khí

Theo TS Nguyễn Văn Tài, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang phát triển nóng, đối mặt với các thách thức về môi trường. Trong đó, có các vấn đề lớn, khó giải quyết của cả các đô thị lớn trên thế giới.

Về vấn đề ô nhiễm không khí, Tổng Cục trưởng Tổng Cục môi trường đồng tình với các nguyên nhân, giải pháp mà Hà Nội đã chỉ ra và nhấn mạnh việc xử lý ô nhiễm không khí cần theo hướng tăng cường cảnh báo và có biện pháp kiểm soát nguồn gây ô nhiễm.

Liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí đang được người dân quan tâm, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Tuấn Định cho biết, trong năm 2019, Hà Nội có 6 đợt ô nhiễm không khí. Mỗi đợt kéo kéo dài từ 5 đến 10 ngày, trong đó cao điểm nhất là từ ngày 8 đến 12 - 12, chất lượng không khí xấu và rất xấu.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT, nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Trong đó, tháng 12 đến tháng 1 thường có ít gió khiến không khí khó đối lưu.

Các nguyên nhân chủ quan gây ô nhiễm không khí là: khí thải xe máy; các hộ dân dùng bếp than tổ ong, đốt rơm rạ; hoạt động xây dựng, vận chuyển vật luyện xây dựng; khí thải mùi hôi từ trạm thoát nước, kênh mương; ô nhiễm ao hồ; khói bụi từ các cơ sở sản xuất…

Vừa qua, bên cạnh việc đưa 11 trạm quan trắc không khí vào hoạt động, UBND TP đã chỉ đạo Sở TNMT đăng tải thông tin chất lượng không khí hàng ngày để người dân biết. Sở TNMT cũng gửi khuyến cáo với người dân khi chất lượng không khí xuống thấp.

Sở TN&MT kiến nghị Bộ TN-MT cần nghiên cứu đánh giá, kiểm soát ô nhiễm không khí xuyên biên giới; rà soát các loại hình sản xuất có nguy cơ gây hại môi trường, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế…

Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng, nguyên nhân ô nhiễm không khí còn từ các công trình xây dựng, cải tạo đường, vỉa hè không làm hết trách nhiệm... Bên cạnh đó, nguyên nhân nữa là từ số phương tiện giao thông ngày một gia tăng, từ đầu quý 4/2019 đến nay, số xe đăng ký mới là 84 nghìn phương tiện, nâng tổng số phương tiện đang quản lý lên trên 6,878 triệu phương tiện...

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng đề xuất UBND TP chỉ đạo các sở ngành liên quan có cơ chế phối hợp, kiên quyết xử lý các trường hợp thi công xây dựng, làm đường gây ô nhiễm cũng như các trường hợp phương tiện giao thông hết hạn sử dụng. "Chúng ta cần số liệu quan trắc môi trường chính xác, ở các độ cao khác nhau để có thông số toàn diện hơn, nhìn nhận chính xác hơn", Phó Giám đốc CATP nói.

Triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường từ nhiều năm nay. Khi thực hiện Nghị quyết 11, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc bài bản, triển khai nhiều nhiệm vụ để bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, quá trình thực hiện có sự phối hợp thiếu đồng bộ của các sở, ngành, đơn vị. Ví dụ, vấn đề bếp than tổ ong đã chỉ đạo quyết liệt nhưng tỷ lệ hộ sử dụng trong kinh doanh còn cao.

Về giải pháp thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở TN-MT chuẩn bị địa điểm lắp đặt 50-70 trạm quan trắc cố định và trên cao để quan trắc chất lượng không khí. Về thu gom rác, các công ty thu gom cần có biện pháp, tính toán khoa học, bảo đảm sạch cả các ngõ nhỏ, các dải phân cách...

Đối với ô nhiễm ao hồ, Sở Xây dựng, các quận, huyện tiếp tục xử lý. Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã, đặc biệt là 4 quận nội thành cũ cần vận động người dân không sử dụng than tổ ong.

Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện cho 3 nhà máy rác thải sớm đi vào hoạt động. Sở Xây dựng nghiên cứu lắp camera các xe thu gom rác để kiểm soát và yêu cầu tuyệt đối không trộn lẫn rác sinh hoạt và rác xây dựng...

Đồng tình với kiến nghị CATP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP giao CATP Hà Nội chủ trì cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, rác thải xây dựng không đúng quy định, để rơi vãi ra đường…

Chủ tịch UBND TP cũng thông tin, Hà Nội đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ để thời gian tới, qua phần mềm, người dân có thể phản ánh các thông tin đời sống trong đó có vấn đề rác thải, môi trường... Các thông tin này sẽ được phân loại và chuyển ngay cho các cấp có thẩm quyền để xử lý.