Hà Nội: Thông tin chính thức về thay thế cây hoa sữa trên phố Trích Sài, xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch

ANTD.VN - Ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, UBND quận đã trình thành phố 2 phương án thay thế hàng cây hoa sữa trên tuyến phố Trích Sài: Phương án 1 là trồng cây giáng hương, phương án 2 là trồng xen thân gỗ và muồng hoàng yến.

Quận Tây Hồ đang di chuyển hàng cây hoa sữa trên phố Trích Sài

Chiều 23/7, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, lãnh đạo quận Tây Hồ đã thông tin về việc di chuyển hàng cây hoa sữa trên tuyến phố Trích Sài, phường Bưởi.

Cụ thể, trên vỉa hè tuyến đường Trích Sài có tổng cộng 102 cây hoa sữa được trồng từ năm 2014. Qua thời gian, rễ cây nổi gây bong bật, hư hỏng bồn cây, gạch lát vỉa hè. Ngoài ra, vào mùa hoa sữa nở rộ, mùi hương ngào ngạt và nồng nặc đã ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Do vậy, nhân dân đã nhiều lần có ý kiến về việc di chuyển hàng cây hoa sữa này.

Từ cuối năm 2018, quận Tây Hồ đã có văn bản báo cáo và đề xuất việc chuyển hàng cây hoa sữa này. Đến đầu năm 2019, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản đồng ý.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, quận Tây Hồ đã kết hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá hiện trạng để đề xuất phương án di chuyển hàng cây hoa sữa trên phố Trích Sài.

Theo đó, phương án dự kiến sẽ di chuyển gần 96 gốc hoa sữa trên phố Trích Sài (gần hồ Tây) về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Quận Tây Hồ sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc, duy trì 2 năm, bảo đảm các cây hoa sữa này sinh trưởng, phát triển tốt và sẽ bàn giao cho đơn vị vận hành Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn quản lý.

Quận Tây Hồ đã tiến hành họp công khai lấy ý kiến nhân dân phường Bưởi về việc chuyển hàng cây hoa sữa trên phố Trích Sài và 100% người dân tham gia cuộc họp đều đồng tình, ủng hộ.

Đến nay, quận Tây Hồ đã tiến hành di chuyển 58 cây hoa sữa trên tuyến phố Trích Sài về trồng tại Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn. Tại vị trí các cây hoa sữa đã di chuyển, quận Tây Hồ đang tổ chức thực hiện việc chỉnh trang, cải tạo hạ tầng, tổ chức lát lại vỉa hè và báo cáo, đề xuất với Thành phố và Sở Xây dựng việc trồng cây thay thế bảo đảm đúng chủng loại cây xanh đô thị, phù hợp với khu vực này.

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến các vấn đề chi phí di dời hàng cây hoa sữa và quận Tây Hồ dự kiến sẽ trồng cây gì thay thế hàng cây hoa sữa trên phố Trích Sài, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết, về chi phí di dời cây, UBND quận Tây Hồ sẽ thực hiện theo đúng quy định.

Việc trồng cây thay thế, quận đã trình Thành phố 2 phương án: Phương án 1 là trồng cây hoa giáng hương, phương án 2 là trồng xen thân gỗ và muồng hoàng yến. Việc trồng cây hoa sữa trên Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, quận sẽ sớm có báo cáo đánh giá hiệu quả.

Cũng tại hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 23/7, ông Võ Tiến Hùng (Tổng Giám đốc, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) cũng đã thông tin làm rõ việc xả nước hồ Tây ra sông Tô Lịch, ảnh hưởng đến việc thử nghiệm làm sạch sông bằng công nghệ nano-Bioreactor.

Theo đó, ông Võ Tiến Hùng khẳng định, ngay bắt đầu từ khi dự án được triển khai phía công ty đã phối hợp chặt chẽ với Công ty CP đầu tư môi trường Nhật Việt.

Theo đó, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội đã đảm bảo tối đa về con người, thuyền, mặt bằng… Trước khi triển khai, Công ty này cũng đã cảnh báo phía Nhật Bản những vấn đề có thể xảy ra đó là việc thử nghiệm trên đầu nguồn sông, thời điểm thực hiện vào mùa mưa sẽ xảy ra các tình huống: khi mưa lớn, khi mưa lớn phải xả nước từ hồ Tây vào.

“Chuyên gia Nhật khẳng định không ảnh hưởng. Chúng tôi còn nhắc nhở tại sao thử nghiệm ở đầu nguồn, nhưng họ khẳng định yên tâm không vấn đề gì”, ông Võ Tiến Hùng thông tin.

Ngày hôm qua 22/7, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cũng đã mời phía Nhật sang làm việc. Tại buổi làm việc, phía Nhật Bản thừa nhận 2 vấn đề: Việc xả nước là khách quan; họ thừa nhận do nóng vội không nghiên cứu kỹ, chưa cập nhật đầy đủ thông tin về điều kiện tự nhiên, thời tiết, diễn biến mực nước, lưu tốc... trên sông Tô Lịch, không tham khảo hướng dẫn vận hành hệ thống thoát nước của Dự án Thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội.

Ông Võ Tiến Hùng cũng bác thông tin “Công ty thoát nước Hà Nội phá kết quả thử nghiệm” nhằm “tranh công việc”. Ông cho biết, hiện nay, Công ty chưa tham gia gì trong việc xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.