Hà Nội thí điểm áp dụng chế tài xử phạt cán bộ, công chức thờ ơ, vô cảm

ANTD.VN - Trước thực tế còn nhiều cán bộ công chức thờ ơ, vô trách nhiệm trong công tác phục vụ nhân dân, Hà Nội sẽ thí điểm bộ chế tài xử lý vi phạm của cán bộ, công chức với 114 tình huống cụ thể.

Toàn cảnh phiên giải trình

Ngày 15-3, Thường trực HĐND TP đã tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng và công tác tổ chức, quản lý lễ hội.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì phiên giải trình. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung dự phiên giải trình.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, 40% ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến vấn đề này và mong muốn nâng cao chất lượng giám sát của HĐND, có lộ trình khắc phục các tồn tại, xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch.

Điểm mới của phiên giải trình lần này là Chủ tịch UBND các xã phường cũng sẽ tham gia phiên giải trình. “Các sở ngành đều có báo cáo cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên Thạch Thất và Phú Xuyên là hai huyện không có báo cáo giải trình”, Chủ tịch HĐND TP cho biết.

Theo UBND TP, ngay sau khi ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội, các cơ quan trực thuộc Thành phố đã tổ chức triển khai nội dung quy tắc tới cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại các cơ quan, đơn vị. Một số các đơn vị sự nghiệp công lập triển khai tốt Quy tắc ứng xử, nhất là một số bệnh viện đa khoa tuyến huyện…

Thờ ơ, tắc trách vẫn còn

Tuy nhiên, tình trạng thờ ơ, tắc trách trong việc phục vụ nhân dân vẫn còn tồn tại. Giám sát của HĐND TP chỉ rõ, cán bộ tại một số nơi như ở xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai; xã Di Trạch, huyện Hoài Đức; xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh; phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy; bộ phận quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT; bộ phận một cửa của Sở LĐTB&XH, Sở Tư pháp… còn những ứng xử chưa phù hợp.

Nơi thì có cán bộ bận đi ăn cưới, chỗ thì có cán bộ “thích thì mới làm”. Đáng buồn có cán bộ còn “gợi ý” lấy tiền để làm thủ tục nhanh; nhiều nơi xuất hiện các đối tượng cò mồi, môi giới… Tại UBND phường Văn Miếu, quận Đống Đa, nơi xảy ra vụ việc cán bộ chậm trễ cấp giấy chứng tử khiến dân bức xúc đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến. “Người dân còn nhiều ý kiến phàn nàn về thái độ phục vụ của cán bộ”, giám sát của HĐND TP nêu rõ.

Giải trình, để xảy ra tình trạng một số cán bộ công chức chưa thực hiện đúng quy tắc ứng xử ở xã mình, Chủ tịch UBND xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, ông Phạm Văn Mạnh nhận trách nhiệm và cho rằng nguyên nhân chính là do nhận thức của cán bộ, công chức còn kém.

Ông này lý giải thêm, trước đây bộ phận một cửa có 2 cán bộ chuyên trách nhưng đều đã nghỉ việc xã phải bố trí cán bộ mới, chưa phù hợp. Ngay sau khi phát hiện sai phạm, xã đã họp kiểm điểm, chấn chỉnh, điều chuyển cán bộ vi phạm; cán bộ cam kết không tái phạm. “365 ngày làm tốt nhưng chỉ một ngày một giờ làm không tốt cũng ảnh hướng đến niềm tin của nhân dân. Đây là bài học đắt giá với chúng tôi”, Chủ tịch UBND xã Di Trạch nói.

Là đơn vị được nêu có vi phạm, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Nguyễn Quang Thắng cho biết, phường đã phát 1.229 phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân, 668 phiếu rất hài lòng, không có đánh giá không hài lòng.

Ông Thắng cho biết, hệ thống camera của phường chỉ thu được hình, không có tiếng và qua hình ảnh giám sát của HĐND phường mới biết vụ việc.  Nữ cán bộ vi phạm trước đây là cán bộ tốt, điển hình người tốt việc tốt ở địa phương. “Không hiểu do thời tiết thế nào mà hôm đó, nữ cán bộ này lại có những câu nói với dân không thể chấp nhận được. Phường đã họp kiểm điểm và chấn chỉnh ngay. Chúng tôi xin hứa không để xảy ra vụ việc tương tự”, ông Thắng cho hay.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Mạnh Hải về vấn đề có tình trạng không cần khám sức khỏe, qua cò mồi vẫn làm được thủ tục cấp giấy phép lái xe không? Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền khẳng định có hiện tượng này và Sở sẽ chấn chỉnh các đơn vị, xử lý nghiêm tình trạng “cò mồi” và các cán bộ vi phạm.

Giám đốc Sở Tư pháp cũng thừa nhận có tình trạng "cò mồi" thủ tục tại sở mình và cam kết xử lý, không để tái diễn...

Thí điểm áp dụng chế tài xử lý vi phạm cán bộ công chức

Đại biểu Trần Thế Cương đặt câu hỏi với Sở VHTT: “2 bộ quy tắc ứng xử đã thực sự đi vào cuộc sống?”. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở cho biết, sau một năm 2 bộ quy tắc ứng xử được ban hành, đã có nhiều chuyển biến rõ nét trong thái độ ứng xử phục vụ nhân dân tuy nhiên chưa tạo ra nét riêng của người Hà Nội.

Ở nơi công cộng còn nhiều hành vi không đẹp. Thừa nhận 2 bộ quy tắc ứng xử mới bước đầu đi vào cuộc sống và cần nhiều nỗ lực hơn nữa, ông Tô Văn Động cho biết Sở VHTT sẽ quyết liệt hơn để 2 bộ quy tắc ứng xử hiệu quả hơn. Thành phố đã tổ chức gần 700 lượt kiểm tra công vụ, xử lý 45 trường hợp vi phạm.

Trả lời câu hỏi của đại biểu HĐND TP Duy Hoàng Dương về số hồ sơ thủ tục hành chính quá hạn trong năm 2017 và bao nhiêu thủ trưởng các cơ quan đã ký văn bản xin lỗi nhân dân vì chậm trễ?

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, năm 2017, các cấp thành phố tiếp nhận hơn 8 triệu hồ sơ thủ tục hành chính. 2,67% hồ sơ bị quá hạn. Nguyên nhân do một số quy định còn chồng chéo; thủ trưởng đơn vị chưa quan tâm, đôn đốc; cán bộ công chức chưa trách nhiệm… Để khắc phục tồn tại, năm 2018, Hà Nội sẽ tập trung đào tạo trình độ, kỹ năng cho cán bộ, công chức, lãnh đạo cấp xã phường.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP chất vấn: “Tại sao vẫn chưa có chế tài xử lý cán bộ vi phạm quy tắc ứng xử? Việc lắp đặt camera giám sát ở bộ phận một cửa triển khai thế nào?”. Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, Sở Nội vụ đã chủ động xây dựng bộ chế tài xử lý với 114 tình huống cụ thể và sẽ thí điểm ở một số nơi trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, việc lắp đặt camera giám sát, nối mạng đến lãnh đạo cấp phường, quận đã được triển khai nhiều năm và có hiệu quả cao, hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra. Quy tắc ứng xử với hệ thống chế tài xử lý là tiêu chí để chế định các hành vi của công chức và sẽ có chuyển biến tích cực hơn…