Hà Nội: Tận dụng bình chọn cao, tạo “cú hích” cho du lịch

ANTĐ - Trước khi Hà Nội được trang TripAdvisor xếp thứ tư trong danh sách 25 điểm đến hàng đầu thế giới, Thủ đô của chúng ta đã nhiều lần được bình chọn là một những trong những điểm du lịch thu hút nhất thế giới. Tuy nhiên, để trở thành điểm đến có thương hiệu, du lịch Hà Nội cần phải có chiến lược phát triển và bảo tồn các giá trị truyền thống. 

Hà Nội: Tận dụng bình chọn cao, tạo “cú hích” cho du lịch ảnh 1Du khách đến Hà Nội không thể bỏ qua những biểu tượng văn hóa của Thủ đô 

Cải thiện hạ tầng cho du lịch

Năm 2013, tạp chí Smart Travel Asia, tạp chí du lịch trực tuyến hàng đầu châu Á đã xếp Hà Nội đứng 5 trong Top 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á. Các yếu tố để bình chọn dựa trên các sản phẩm du lịch, đánh giá phản hồi từ bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt đó là “thương hiệu của điểm đến”. Không hoàn toàn trùng khớp về tiêu chí nhưng trang TripAdvisor đánh giá mức độ yêu thích của du khách dựa trên những yếu tố hình thành nên “thương hiệu”, cụ thể đó là sức hút của các danh thắng và các món ăn, ẩm thực của địa điểm đó. Điều này cho thấy rằng, Hà Nội thường xuyên được đánh giá cao trong các cuộc bình chọn quy mô thế giới và châu lục chính là nhờ những giá trị văn hóa, truyền thống của Thủ đô. TS Đỗ Thanh Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch nhận định, Hà Nội có sẵn nhiều lợi thế như di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên đẹp, ẩm thực phong phú, đặc sắc… mà nếu biết khai thác sẽ là “cú hích” để đẩy mạnh tốc độ phát triển du lịch. Tuy nhiên, nếu cơ sở hạ tầng, các công trình thiết yếu phục vụ cho du lịch còn chưa được cải thiện như sân bay quốc tế Nội Bài, các nhà vệ sinh công cộng trên đường phố hay hệ thống giao thông… thì khó có thể tạo nên một hình ảnh đẹp, văn minh trong mắt du khách. 

PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Du lịch và Khách sạn, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết: “Du thuyền trên sông Hồng được xác định là một trong những sản phẩm đặc trưng của du lịch Hà Nội. Nhưng hệ thống cầu cảng, bến bãi đều trong tình trạng tạm bợ, cảnh quan hai bờ sông nhếch nhác. Đó là chưa kể đến chất lượng dịch vụ còn thiếu chuyên nghiệp, sơ sài”. 

Không trùng tu, không thể khai thác

PGS. TS Trương Quốc Bình, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho rằng, chính sự đặc sắc của kho tàng di sản văn hóa của Hà Nội là những tài nguyên du lịch hấp dẫn tạo nên những lợi thế và tiềm năng to lớn của du lịch Hà Nội. Bởi vậy, công tác bảo vệ, trùng tu di sản sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đối với hiệu quả khai thác dịch vụ, kinh doanh của ngành du lịch. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trương Quốc Bình, hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích đang còn quá nhiều “tồn tại và khiếm khuyết”. Cụ thể là những vụ việc đã bị đưa lên báo chí như “Lắp cổng chùa vào cổng đền” (đền Voi Phục), bất cập trong trùng tu tôn tạo thành cổ Sơn Tây… hay những di tích đang dần bị biến dạng không thể kể hết. Bên cạnh đó, tại các làng nghề truyền thống như gốm, đúc đồng - nơi sản sinh ra các giá trị tinh hoa thì đang "đổi màu", chuyển sang sản xuất các đồ gia dụng, xem nhẹ các sản phẩm thủ công truyền thống. Chính vì vậy, nhiều kỹ thuật nghề truyền thống đã bị mai một, thậm chí biến mất một cách đáng tiếc. 

Nguyên nhân cơ bản của việc này, theo PGS. TS Trương Quốc Bình là nhận thức của lãnh đạo một số địa phương còn hạn chế, việc chuyên môn hóa các cơ quan, đội ngũ cán bộ chuyên môn về di tích chưa được chú trọng, tình trạng chồng chéo trong quản lý tài nguyên du lịch… Điều này không những làm ảnh hưởng đến công tác bảo vệ di sản văn hóa, dẫn đến hậu quả là di tích bị xâm phạm, tài nguyên bị suy giảm, môi trường bị ô nhiễm, suy thoái, hiệu quả khai thác, kinh doanh du lịch cũng bị giảm sút. Để giải quyết vấn đề này, PGS.TS Trương Quốc Bình cho biết, trước hết cần phải có sự quản lý các hoạt động trùng tu, tôn tạo các di tích, tổ chức kiểm kê, sưu tầm, trình diễn nhằm khai thác có hiệu quả các di sản văn hóa phi vật thể. Song song với đó là đẩy mạnh quá trình xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trên cơ sở nhận thức mối quan hệ trực tiếp giữa văn hóa và du lịch. Trong đó, xác định di sản văn hóa chính là tài nguyên phát triển du lịch và du lịch cũng mang lại lợi ích kinh tế, góp phần phục hồi, bảo tồn di sản.