Hà Nội: Rác thải ùn ứ do quận huyện ngồi chờ thành phố

ANTD.VN - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho rằng, các quận huyện chưa tròn trách nhiệm trong công tác thu gom, xử lý rác thải. Sở Xây dựng cũng nhận trách nhiệm trong việc chậm triển khai các dự án xử lý rác.

Toàn cảnh phiên giải trình

Sáng 12-9, HĐND TP Hà Nội đã tổ chức phiên giải trình về thu gom, xử lý chất thải rắn chất thải y tế và quản lý hồ nước khu vực nội thành. 

Còn tồn tại, bức xúc

Hiện nay, Hà Nội mỗi ngày đêm phát sinh 6.000 tấn rác thải rắn sinh hoạt. Năng lực thu gom rác còn chưa đáp ứng thực tế, đặc biệt ở khu vực nông thôn dẫn tới rác tồn đọng ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Khu vực nội thành cũng không thiếu những bãi rác tự phát. Quy định về việc xử phạt người vứt rác sai quy định đã có từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, mỗi ngày Hà Nội còn có 26,5 tấn rác thải y tế. Đây là nguồn lây bệnh tuy nhiên công tác xử lý loại rác này còn chưa được chú trọng.

Thường trực HĐND TP nêu rõ: “Đến 2020, thành phố cần 17 khu xử lý rác thải tập trung, nhưng theo Sở Xây dựng, đến nay, mới có 8 khu đi vào hoạt động”.

Nêu một số tuyến phố ở ngay quận Ba Đình vẫn có tình trạng rác vứt bừa bãi, ĐB HĐND TP Phạm Đình Đoàn kiến nghị các sở, ngành khẩn trương xây dựng, đề xuất quy chế xử phạt. “Xử phạt nóng hay nguội cũng được nhưng cần sớm có biện pháp mạnh”, ông Đoàn nói.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình thừa nhận ở địa bàn còn vài điểm có tình trạng vứt rác bừa bãi. Việc xử phạt đã được quy định rõ, quận cũng đã xử phạt trên 200 triệu đồng. Tuy nhiên, do người dân hay vứt rác sai quy định từ 22-24h nên lực lượng chức năng khó phát hiện... “Quận đã yêu cầu kiểm tra vào giờ cao điểm, nhất là vào tối muộn. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát khu vực cùng các đoàn thể cần tăng cường kiểm tra, vận động người dân đổ rác đúng nơi quy định, đúng giờ”, ông Bình cho hay.

Tại phiên họp, Chủ tịch UBND các quận, huyện đã trả lời câu hỏi của đại biểu về trách nhiệm quản lý điểm tập kết rác thải; tình trạng đốt rác bừa bãi khiến người dân bức xúc ở Chương Mỹ, Hoài Đức, Ba Đình, Hai Bà Trưng... Theo đó, các quận, huyện cam kết sẽ tập trung chấn chỉnh công tác thu gom, có phương án xử lý rác thải tồn đọng và phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát Môi trường xử lý nghiêm vi phạm.

 “Tôi kiến nghị mỗi quận nên có một điểm trung chuyển, xử lý rác”, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong kiến nghị.

Chưa tròn trách nhiệm

Không hài lòng về phần giải trình của các quận huyện, đánh giá các đơn vị mới chỉ “kêu khó”, ĐB HĐND TP Hoàng Thúy Hằng nêu câu hỏi về trách nhiệm của Sở Xây dựng trong việc để rác tồn đọng. “Quận huyện trông chờ cấp thành phố giải quyết. Đây là nguyên nhân công tác quản lý, xử lý rác thải chưa hiệu quả”, bà Hằng nói.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, TP đã quy định trách nhiệm đảm bảo vệ sinh môi trường giao cho chính quyền địa phương, các sở ngành phối hợp chặt chẽ để giải quyết các khó khăn. Cho rằng các quận, huyện chưa làm hết trách nhiệm, Giám đốc Sở Xây dựng nói: “Mình trông nhà mình quá dễ so với người khác”.

Hiện nay, các trung tâm xử lý rác của Hà Nội đảm bảo xử lý 5.400 tấn rác. Thành phố đang chuyển đổi sang xử lý rác bằng công nghệ cao (tiêu chuẩn Nhật Bản, châu Âu), trong tháng 10 sẽ khởi công một nhà máy công suất lên đến 4.000 tấn/ngày.  “Chúng tôi sẽ cố gắng triển khai nhanh dự án này. Lần này còn sai hẹn thì không thể trả lời nhân dân được nữa”, ông Dục nói.

Về vấn đề tồn đọng rác, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, ở một số quận huyện đã có các đơn vị quản lý, nếu không làm được thì nên thay, không để rác cứ tồn đọng kéo dài.

Giám đốc Sở Xây dựng cũng nhận trách nhiệm khi để 12/17 dự án xử lý rác theo khu vực chậm tiến độ và cam kết đẩy nhanh tiến độ các dự án này...