Hà Nội phát huy "tài nguyên vị thế" để tạo đà phát triển

ANTĐ - Sáng 17-8 tại Bảo tàng Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học “Thủ đô Hà Nội: Truyền thống, nguồn lực và định hướng phát triển”. Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết từ các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, làm rõ những thế mạnh, tiềm năng cũng như đưa ra các giải pháp phát triển Thủ đô. 

Song song phát triển quy hoạch đô thị, Hà Nội luôn chú trọng giải quyết mối tương quan giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Thuần Thư

                                                                                                                 

Hội thảo do Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP Hà Nội phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, là sự kiện ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Đến dự hội thảo có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, thành phố cùng sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, các nhà chuyên môn thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa. 

Các nguồn lực phát triển Thủ đô

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung làm nổi bật những thành tựu, tiềm năng và các nguồn lực phát triển của Thủ đô trong thời đại mới. Nhiều đại biểu đã nêu cách thức tổ chức và những bất cập trong quản lý đô thị Hà Nội. TS Trần Hữu Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ bày tỏ, quy mô diện tích lớn, dân số đông (hơn 7 triệu người), nhiều đơn vị hành chính là thách thức lớn trong quản lý đô thị ở Hà Nội.

Không giống với các thành phố trực thuộc Trung ương khác, phạm vi ngoại thành của Hà Nội rất lớn, chiếm xấp xỉ 1/2 tổng dân số Hà Nội cũng đặt ra nhiều vấn đề về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, cũng như quy hoạch phát triển hạ tầng nông thôn, đồng thời từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng ngoại thành.

 Đề cập đến vấn đề “nóng” của Thủ đô Hà Nội, GS.TS Đỗ Thị Minh Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Hà Nội đã thực sự trở thành một “siêu đô thị” với 7 triệu dân. Trong đó, từ năm 2009-2011, quy mô nhập cư vào Hà Nội tăng nhanh, được cho là “hiệu ứng” tất yếu sau khi mở rộng địa giới hành chính. Một số quận hành chính ở Hà Nội, điển hình quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, huyện Từ Liêm cũ chứng kiến sự bùng nổ dân số - chủ yếu là do “gia tăng cơ học”, chỉ trong vài năm gần đây.

 Bên cạnh mặt tích cực là đã làm “trẻ hóa” thành phần dân số với lượng người nhập cư chủ yếu trong độ tuổi lao động thì việc không kiểm soát dân số cũng đang gây ra những áp lực lên giao thông cùng nhiều vấn đề về môi trường, chất lượng cuộc sống cũng như quản lý đô thị. 

Bảo tồn di sản văn hóa, phát triển kinh tế

Bên cạnh vấn đề quản lý đô thị, một nội dung được các đại biểu quan tâm đó là làm sao để giải quyết mối tương quan giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội nhất là với tốc độ đô thị hóa như hiện nay. GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia cho rằng, bảo tồn di sản văn hóa là một lĩnh vực rất đặc thù, bởi nó là tài sản văn hóa không thể tái sinh, không thể thay thế và rất dễ tổn thương.

Ở Hà Nội, nhiều di sản truyền khẩu, tri thức dân gian đang đứng trước nguy cơ mai một, số lượng người thực hành di sản ngày một ít, nguồn nhân lực quản lý di sản còn hạn chế, nguồn tài chính, hỗ trợ cộng đồng bảo tồn và trao truyền di sản cũng còn khiêm tốn và không thường xuyên… Bảo tồn và phát triển, giải quyết mối xung đột này không hề giản đơn, tuy nhiên, theo GS.TSKH Lưu Trần Tiêu thì đây vẫn là công việc “trong tầm tay”. “Vấn đề còn lại ở ý thức thực thi pháp luật, nhận thức về di sản văn hóa và thiện chí, có trách nhiệm trong việc giải quyết những xung đột ấy” - GS.TSKH Lưu Trần Tiêu cho biết. 

Tiếp thu những bài tham luận của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, vấn đề các bài tham luận đặt ra tuy không mới, nhưng đã giúp nhận diện rõ nguồn lực phát triển của Thủ đô, đồng thời rất thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong quản lý, trong công tác bảo tồn và phát triển của thành phố. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo khẳng định, cùng với các giải pháp để sử dụng hiệu quả các nguồn lực về vốn, công nghệ, tập trung phát triển kinh tế, Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch - kỷ cương, khai thác “tài nguyên vị thế” là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.